Bạn là một tín đồ mê làm bánh, có thể bạn đã biết đôi chút về môn nghệ thuật này, cũng có thể bạn chưa biết gì. Và dĩ nhiên khi nói đến làm bánh thì không thể nào nói đến dụng cụ và nguyên liệu. Nguyên liệu thì tùy thuộc vào từng món bánh bạn làm. Nhưng dụng cụ thì hầu như nó đều có những món cơ bản. Vậy dụng cụ làm bánh cơ bản bạn nên có là gì?
Trong bài viết này của mình, mình sẽ liệt kê những dụng cụ làm bánh cơ bản mà bạn nên có. Đây là thông tin mà mình tổng hợp từ nhiều thợ làm bánh khác nhau, thế nên bạn có thể cân nhắc và đưa ra những lựa chọn phù hợp với không gian nhà mình, túi tiền của mình.
Vì khi bạn đã chọn cái nghề làm bánh, thì bạn ắt hẵn ít nhiều nghe nói làm bánh đồng nghĩa với việc tốn kém, vì nó đòi hỏi những khoản đầu tư cho dụng cụ ban đầu. Nó là một con số đáng kể, ví dụ như bạn sẽ cần một chiếc lò nướng xịn xò để có thể làm ra những chiếc bánh nướng ngon và đẹp mắt. Hay một bộ thìa đong nguyên liệu có giá vài trăm ngàn, thậm chí lên đến vài triệu bạc...
Dĩ nhiên đồ làm bánh cũng là thứ đồ mà bạn sẽ dùng dài hạn, và tất nhiên là còn tùy vào loại sản phẩm mà độ bền sẽ khác nhau, nhưng nhìn chung là bạn có thể dùng đi dùng lại trong thời gian dài. Nếu xem xét từ góc độ này thì một cái khuôn vài trăm nghìn hoàn toàn không phải là đắt, nhỉ?
Nội dung bài viết [Hiển thị]
- Bộ dụng cụ làm bánh cơ bản cho người mới
- 1. Lò nướng
- 2. Máy đánh trứng
- 3. Dụng cụ cân đong
- 4. Âu trộn bột
- 5. Rây bột
- 6. Các loại thìa, phới trộn
- 7. Các loại khuôn & khay nướng
- 8. Giấy nến (Parchment paper) & tấm nướng chống dính (non-stick baking mat)
- 9. Nhiệt kế
- 10. Cây lăn bột/ cán bột (rolling pin)
- 11 . Cooling rack (vỉ lưới)
- 12. Dụng cụ trang trí bánh
- 13. Dụng cụ tạo hình bánh quy
- 14. Dụng cụ cắt, nạo vét bột
- 15. Các dụng cụ khác
Bộ dụng cụ làm bánh cơ bản cho người mới
1. Lò nướng
– Dung tích tối thiểu 30 lít, nhưng để vừa với các loại bánh có kích thước đặc biệt kiểu Baguette hay khuôn bánh cỡ lớn thì nên chọn lò 42 – 50 lít.
– Có đủ thanh nhiệt trên và dưới, mọi người hay gọi là lửa trên và dưới.
Vì nướng bánh cần đủ 2 lửa nên đa số các lò vi sóng thông thường không thể dùng để nướng bánh do thường chỉ có lửa trên.
2. Máy đánh trứng
– Máy đánh trứng cầm tay (hand mixer): thường có thêm 2 que đánh trứng và 2 que xoắn để nhồi bột, đánh bơ lạnh cứng..
– Máy đánh trứng để bàn (stand mixer): kèm theo chân quay dẹt (đánh mềm bơ, trộn bột, đánh bông lòng đỏ trứng..), phới lồng (đánh bông kem tươi, trứng..) và chân quay xoắn (nhồi bột bánh mỳ..)
Nếu có điều kiện đầu tư máy đánh trứng để bàn thì tất nhiên là rất tốt, vì thường các loại máy này công suất lớn hơn, khi dùng cũng tiết kiệm thời gian và… đỡ mỏi tay hơn (do không phải cầm máy). Ngoài ra stand mixer còn có thể giúp nhào bột bánh mỳ – và đây là một ưu điểm cực lớn. Nhược điểm có lẽ là stand mixer .. tốn chỗ hơn, và giá thành cũng cao hơn. Chẳng hạn như stand mixer của Kitchen Aid (thương hiệu mà có lẽ đa số người làm bánh đều mơ ước) có giá từ dăm bảy đến hơn chục triệu VND.
Mình thì đang dùng hand mixer của Bosch, công suất 450W, đánh thấy cũng ổn. Còn làm bánh mỳ thì giờ nhào bột cũng quen tay rùi, thi thoảng vừa nhồi bột vừa xem phim, thấy cũng không đến nỗi lắm.
3. Dụng cụ cân đong
Hãy tham khảo mục dụng cụ cân đong này để biết cụ thể bạn nhé!
3.1 Cân
Dĩ nhiêu, trước khi bắt đầu làm bánh, bạn không thể thiếu được một chiếc cân để cân nguyên liệu cần thiết để tiến hành làm bánh. Bạn không thể đo lường nguyên liệu theo một số cách truyền thống là ước lượng, đoán mò.. Vì làm bánh nó đòi hỏi độ chính xác hơn, ví dụ như một số bánh có khâu đong nguyên liệu làm da bánh. Nếu bạn đong thiếu sẽ khiến da bánh không đủ...
Do vậy bắt buộc chúng ta phải dùng cân. Nhưng tùy theo túi tiền của bạn mà bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 loại cân:
Cân điện tử
Đây là loại cân có độ chính xác rất cao đến 0,01kg. Cân điện tử cũng nhẹ hơn rất nhiều so với cân cơ học, dễ dàng di chuyển và cất đi không sử dụng, hơn nữa không sợ co giãn lò xo mà chỉ cần lắp pin vào là có thể sử dụng với độ chính xác y như ban đầu.
Song giá cao hơn khá nhiều so với cân cơ học. Mặt cân là kính cường lực nên có nguy cơ trầy xước hoặc vỡ nếu người dùng không cẩn thận.
Cân cơ
Cân cơ học là là thiết bị được sử dụng phổ biến để cân trọng lượng.
Thiết kế đơn giản, dễ sử dụng. Độ bền cao, chịu được sức nặng lớn và đo khối lượng cơ thể rất nhanh chóng. Và đặc biệt hơn giá thành rẻ.
Sau một thời gian nhất định lò xo sẽ bị giãn, cân sẽ không còn chính xác như ban đầu và buộc phải thay cân mới. Và độ chính xác sẽ không bằng so với cân điện tử.
Nếu ngân sách của bạn có hạn, thì đây có lẽ là lựa chọn phù hợp và tốt nhất. Và lựa chọn loại cân này thì các bạn chỉ nên chọn loại cân có sức chịu nặng ít (1-3kg) thì cân sẽ chính xác hơn.
3.2 Bộ thìa đong theo đơn vị teaspoon, tablespoon:
Trong nhiều công thức làm bánh, với các nguyên liệu có lượng nhỏ (VD: bột nở, vanilla..) thì đơn vị đong thường dùng là 1, 1/2, 1/4, 1/8 teaspoon hoặc tablespoon chứ không chuyển ra gram hay ml. Bản thân teaspoon và tablespoon cũng là đơn vị đong tiêu chuẩn, đôi khi các chương trình nấu ăn tiếng Việt dịch là “thìa cafe/ thìa canh” làm mọi người lầm tưởng và sử dụng thìa cafe thông thường để đong. Điều này sẽ tạo ra sự không chính xác.
Với mình thì đây là một trong những dụng cụ thiết thực và đắc lực nhất, không chỉ dùng trong làm bánh mà còn dùng trong nấu ăn nữa.
3.3. Cup (cốc đong) theo đơn vị cup/ oz
Đây thường là các ca lớn có chia vạch để đong chất lỏng. Ngoài việc đong chất lỏng thì cup dạng này cũng rất có ích khi các bạn làm bánh theo các công thức của Mỹ, thường hay sử dụng đơn vị cup hoặc oz thay cho gram, ml.. như bình thường.
4. Âu trộn bột
Về chất liệu âu trộn bột, từ kinh nghiệm bản thân thì mình thấy không nên dùng âu nhựa, vì độ bền kém, chịu nhiệt kém và rửa cũng khó sạch tuyệt đối so với âu kim loại hay thủy tinh. Một số sách khuyên dùng âu thủy tinh nhưng hiện tại thì mình dùng âu inox, lý do là nhẹ và dùng cảm giác an toàn hơn âu thủy tinh.
Về kích thước thì nên chọn âu lớn và thành cao, khi đánh chất lỏng như kem tươi sẽ hạn chế bị bắn lung tung ra ngoài. Âu cao khoảng 15-20cm, đường kính miệng khoảng 20-30cm là vừa.
Hiện tại mình có 2 cái âu, cả hai cái đều là âu lớn, nhưng một cái thành cao để đánh kem, trứng.. một cái miệng rộng và hơi loe, nhào bột bánh mỳ rất tiện.
5. Rây bột
Các nguyên liệu như bột các loại, đường (đặc biệt là đường icing).. đều cần rây để tránh vón cục khi nhào trộn các loại nguyên liệu, nên tối thiểu cần có 1 cái. Mình thì có 2 cái, một to, một nhỏ xíu để rắc đường bột hay ca cao trang trí (như trong tiramisu chẳng hạn).
6. Các loại thìa, phới trộn
6.1. Phới trộn bột:
Có hình dạng giống chiếc xẻng, chất liệu có thể là nhựa hoặc silicon (silicon thì tốt hơn rất nhiều). Phới mềm không chỉ giúp trộn bột mà còn giúp vét thành và đáy âu “sạch” và gọn hơn.
6.2. Thìa gỗ:
Không thật sự bắt buộc nhưng sẽ rất tiện khi nấu các loại sốt, kem, quấy bột choux, quấy các nguyên liệu trước khi nhồi bột làm bánh mỳ.
6.3. Phới lồng cầm tay:
Mặc dù có máy đánh trứng rồi nhưng phới lồng cầm tay vẫn là dụng cụ không thể thiếu khi làm bánh, để trộn nguyên liệu, đặc biệt là các loại nguyên liệu bông nhẹ như kem tươi, trứng đánh bông… Mình có 2 cái, một to và một bé (cái bé hay dùng lúc cần trộn các loại bột với nhau).
7. Các loại khuôn & khay nướng
7.1. Khuôn muffins/ cupcakes:
Có lẽ hiếm ai làm bánh mà lại “lờ” đi các bạn Cupcake xinh xắn đáng yêu, cho nên mình để khuôn Muffin/Cupcake lên số 1 trong các loại khuôn cần mua. Muffin và Cupcake tuy là hai loại bánh khác nhau nhưng hình dạng thì về cơ bản là giống nhau và giống cái cup (cốc), cho nên hoàn toàn có thể nướng từ cùng một loại khuôn. Vì lí do này mà đôi khi đi mua khuôn các bạn có thể không tìm thấy khuôn có tên là “khuôn cupcake” nhưng lại thấy rất nhiều mặt hàng được dán mác “khuôn muffin”, thật ra thì là một thôi nên đừng bận tâm quá :)
Khuôn muffin/cupcake có thể ở dạng khay liền với nhiều lỗ hoặc các khuôn rời, chất liệu thì phổ biến là bằng kim loại hoặc silicone. Chất lượng không khác nhau nhiều, silicon có ưu điểm là sạch sẽ, chống dính tốt và tiết kiệm chỗ (vì có thể gấp hoặc ép lại để cất đi), nhưng giá thành có thể cao hơn.
Khuôn muffin/cupcake silicone các dạng khay liền & khuôn rời
Về kích thước thì với cupcake thường có loại mini (bé xíu, đường kính miệng khoảng 3-4cm, cao khoảng 3cm) và loại thường (đường kính miệng tầm 5-7cm). Muffin thì có thể to hơn, thậm chí có loại Muffin jumbo, đường kính miệng khuôn đến cả 10cm. Mình nghĩ để làm Muffin và Cupcake tại nhà thì các bạn có hai bộ khuôn cỡ mini và cỡ thường, mỗi bộ có thể nướng được 10-12 chiếc (cỡ vừa) và 20-24 chiếc (cỡ mini) là đủ.
Khuôn Muffin/Cupcake dạng khay liền với các kích thước khác nhau
Khay mini 24 lỗ, khay vừa 12 lỗ (khay có bánh) và khay 6 lỗ
Có một vài ghi chú thêm trong việc chọn mua khuôn Cupcake/ Muffin là:
– Nếu chưa có điều kiện đầu tư khuôn Muffin/ Cupcake thì các bạn có thể dùng tạm cốc kim loại (loại cốc thường dùng làm flan/ caramel) cũng được, nưng dùng khuôn chuẩn vẫn tốt hơn.
– Nếu mua khuôn ở dạng khay liền nhiều lỗ, đặc biệt là khay kim loại thì các bạn nhớ đo xem khay có vừa với lò không nhé. Đây là kinh nghiệm thương đau của mình, mua 2 khay và cả hai đều không vừa với lò :(
– Bản thân khuôn Cupcake/muffin cũng có các hình dạng khác nhau, dạng chuẩn và phổ biến nhất là như hình khay liền ở trên, phần đáy nhỏ và trên hơi loe ra, đúng kiểu cái cup (cốc). Một số khuôn có thể thẳng tuột từ trên xuống, đáy và miệng bằng nhau, khuôn này sẽ khó làm hơn do khó kiếm cup giấy phù hợp.
– Với Muffin và Cupcake thì ngoài khuôn còn một thứ nữa gần như không thể thiếu là cup giấy (cốc giấy). Trên thị trường bây giờ có rất nhiều loại cup giấy đẹp, đủ màu sắc và hoa văn khác nhau. Với các cup giấy mềm thì sẽ cần thêm khuôn đỡ (vì bản thân cup giấy không đủ sức chứa bột ướt nên khi đổ bột vào, cup sẽ dễ bị đổ, rách, hỏng). Còn các loại cup giấy làm từ bìa cứng thì không nhất thiết phải đặt vào khuôn vì các cup giấy này thường đủ cứng để có thể tự đứng một mình được. Các bạn nhớ mua cup giấy vừa với khuôn nhé. Nếu được thì mang theo khuôn khi đi mua cup giấy là tốt nhất. Bản thân mình do chủ quan nên cũng mua nhầm vài lần, chỉ nhìn áng chừng để mua, đến lúc về mới thấy là cup giấy lớn hơn khuôn, hậu quả là nướng lên cup giấy bị méo mó rất là xấu :(
Cup giấy dành cho cupcakes
7.2. Khuôn bánh ngọt (cake pans & spring form pans)
Khuôn bánh ngọt (cake pans) là tên gọi chung cho các loại khuôn dành cho các loại bánh bông lan/ gateau. Khuôn bánh ngọt có rất nhiều kích thước và hình dáng khác nhau. Để làm các loại bánh cơ bản (bánh bông lan bơ, cốt bánh ga-tô sinh nhật…) thì theo mình nghĩ chỉ cần 1-2 khuôn tròn và 1 khuôn vuông là đủ. Mình hiện tại có 2 khuôn tròn (đường kính 15cm & 20cm) với 1 khuôn vuông 20 x 20cm. Mình ở một mình nên khuôn như vậy cảm giác là vừa đủ, các khuôn cỡ 22 – 25 hay 28cm có vẻ hơi to quá.
Khuôn tròn (round cake pan) các kích thước
Chọn mua khuôn thì có thêm 2 điểm lưu ý nhỏ nữa. Một là khuôn sáng màu hay sẫm màu thì tốt hơn? Về cơ bản thì hai khuôn này không khác nhau nhiều, nhưng khuôn sẫm màu hấp thụ nhiệt tốt hơn nên khi nướng cần phải cẩn thận hơn, thường là nhiệt độ khi dùng khuôn sẫm màu sẽ thấp hơn khuôn sáng màu khoảng 10-15 độ C.
Ghi chú thứ hai là về đáy khuôn nên là đáy liền hay đáy rời. Khuôn đáy rời (spring form pans) thường là đắt hơn khuôn đáy liền, nhưng có nhiều ưu điểm hơn hẳn. Bên cạnh việc lấy bánh ra dễ hơn thì một số loại bánh như Mousse, cheese cake gần như bắt buộc phải dùng khuôn đáy rời cho nên cá nhân mình thì khuyên là các bạn nên đầu tư vào loại khuôn này, về sau dùng được cho nhiều mục đích hơn.
Khuôn tròn đáy rời
Khuôn như mình vừa kể trên là thuộc dạng “cơ bản” và rất rất nên có. Còn ngoài ra thì tùy theo sở thích và nhu cầu sử dụng mà các bạn có thể sắm sửa thêm các loại khuôn, làm “giàu thêm bộ sưu tập” khuôn bánh của riêng mình nhé, chẳng hạn như các loại khuôn hình trái tim, hình con vật, nhà cửa…
7.3. Khuôn tube
Đúng như tên gọi (tube), đây là khuôn có các ống ở giữa, mục đích để nhiệt có thể phân bổ vào tận bên trong bánh, giúp bánh nở đều hơn. Khuôn tube có nhiều loại với nhiều hình dáng khuôn khác nhau, hai loại phổ biến nhất là Angel Food Cake Pan và Bundt Pan.
Angel Food Cake Pan là khuôn thường được dùng để làm các loại bánh bông mềm nhẹ, dựa vào bọt khí trong lòng trắng trứng đánh bông để nở như Chiffon hay Angel Food Cake. Đặc điểm của loại khuôn này là không chống dính để bánh có thể dễ dàng “bám” và “leo” tốt hơn. Sau khi bánh chín thì cả khuôn thường được úp ngược đến khi bánh nguội mới lấy ra để tránh cho bánh bị xẹp. Chính vì lí do cần úp ngược này mà thường Angel Food Cake pan sẽ có “chân” giống như trong hình, để giúp khuôn “đứng” được khi úp ngược, hoặc phần lõi sẽ nhỏ vừa để có thể cắm vào miệng chai/ lọ. Angel Food Cake Pan cũng có loại đáy rời, sẽ tiện hơn khi lấy bánh ra khỏi khuôn hoặc rửa khuôn.
Angel Food Cake Pan
Có một lưu ý nhỏ là mình có thấy trong 1 cửa hàng bán đồ làm bánh ở nhà bán khuôn Savarin nhưng lại đề là Angel Food Cake Pan. Savarin pan là loại khuôn cũng có ống ở giữa, nhưng thường ống to và khuôn rất thấp, miệng , dùng để làm bánh Savarin hoặc một số loại tráng miệng như kem, mousse… Khuôn Savarin không thích hợp để làm Chiffon nên cả nhà đừng mua nhầm nhé.
Khuôn Savarin
Loại khuôn tube quen thuộc thứ hai là khuôn Bundt (Bundt Pan), để nướng Bundt cake (thường là bánh dạng nhiều chất béo như pound cake, butter cake..)
7.4. Khuôn bánh mỳ (Loaf pan)
Khuôn bánh mỳ dành cho các loại bánh mỳ nhanh (như bánh mỳ chuối, bánh mỳ dừa…), bánh mỳ gối hoặc Pound cake. Tùy theo yêu cầu sử dụng của gia đình mà các bạn có thể mua 1 khuôn to (VD: 23 x 13 x 6 cm) hoặc 1-2 khuôn nhỏ hơn.
7.5. Khuôn Pie/Tart
Khuôn để làm các bánh dạng Pie/ Tart. Khuôn pie thì hình dạng thông thường là giống chiếc đĩa tròn, thành thấp. Khuôn Pie truyền thống thường có đường kính miệng khuôn khoảng 23cm và cao 3-4cm. Thành khuôn đôi khi có thể có viền lượn sóng.
Khuôn tart khác khuôn Pie ở điểm là đáy rời và phần viền khuôn thường là viền lượn sóng, thành khuôn cũng thấp hơn khuôn Pie một chút. Bên cạnh các khuôn tart tròn, còn có các khuôn tart với hình dáng khác như vuông, tam giác…
7.6. Khay nướng chữ nhật
Các khay nướng này sẽ giúp bạn nướng các loại bánh quy, su kem, cốt bánh gateau cuộn hay để rang các loại hạt dễ dàng hơn. Hoặc cũng có thể sử dụng các khay này đựng nước để nướng cách thủy với các loại bánh như Flan hay Cheesecake. Không nên sử dụng khay nướng đi kèm lò vì các khay này tiếp xúc trực tiếp với thành lò nên nhiệt độ sẽ thiếu ổn định hơn, dễ làm cháy phần đế bánh.
7.7. Mousse ring
Là các loại vòng tròn hay khuôn tròn không có đáy, để làm các loại bánh như Mousse, tiramisu… (sau khi bánh đông lại, gỡ khuôn hay là rút phần vòng tròn ra sẽ dễ hơn). Ring mousse có nhiều kích thước, từ loại nhỏ đường kính 5 – 10cm đến các loại lớn hơn, đường kính 18-23cm.
7.8. Ramekin
Các khuôn sứ nhỏ này sẽ rất hữu dụng nếu bạn muốn làm Flan/ Caramel hay Souffle. Ngoài ra các khuôn nhỏ này cũng có thể dùng để làm một số món mặn như các món nướng rau củ với salad…
Về khuôn thì trên đây là các khuôn cơ bản nhất mà mình nghĩ cần phải có. Ngoài các khuôn này thì một số loại bánh sẽ yêu cầu có khuôn đặc biệt đi kèm nên mức độ cần thiết và cơ bản không bằng các khuôn ở trên nên mình sẽ liệt kê sau nhé.
8. Giấy nến (Parchment paper) & tấm nướng chống dính (non-stick baking mat)
Tấm nướng chống dính là một dụng cụ rất rất nên sắm khi làm bánh vì nó sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều “sức lực” khi làm các loại bánh như bánh quy. Thay vì chống dính khay nướng thì bạn chỉ cần sử dụng tấm nướng chống dính này. Các tấm nướng này thường được làm từ Silicone và một trong những loại phổ biến nhất có lẽ là Silpat như trong hình.
Giấy nến (parchment paper hay baking paper), cũng là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho những người làm bánh, không chỉ có thể dùng để lót chống dính khay khi làm bánh quy như tấm nướng chống dính, mà còn có thể lót đáy khuôn, thành khuôn…
9. Nhiệt kế
Có hai thứ nhiệt kế rất cần có khi làm bánh là nhiệt kế lò và nhiệt kế kẹo.
Nhiệt kế lò giúp bạn biết chính xác nhiệt độ trong lò là bao nhiêu. Mình để ý thấy có vẻ là rất nhiều lò nướng gia đình có nhiệt độ không chính xác, có thể thấp hoặc cao hơn nhiệt độ điều chỉnh bên ngoài cả chục độ C nên có một chiếc nhiệt kế là cực kì cần thiết.
Nhiệt kế kẹo dùng để đo nhiệt độ của nguyên liệu, đặc biệt là các loại nguyên liệu nóng như các loại sauce, đường nóng chảy..
10. Cây lăn bột/ cán bột (rolling pin)
Dùng để cán bột khi làm một số loại bánh như bánh quy, bánh mỳ…
11 . Cooling rack (vỉ lưới)
Các loại rack hay vỉ lưới này để đặt bánh sau khi nướng, giúp hơi nước thoát ra dễ dàng và bánh khô ráo nhanh chóng, không bị hấp hơi.
12. Dụng cụ trang trí bánh
12.1 Túi bắt bông kem và bộ đui bắt bông kem
Có nhiều loại túi bắt bông kem, chẳng hạn như túi bằng vải, có thể giặt sạch và sử dụng lại, hoặc túi nilon sử dụng một lần. Mình tìm được link này hướng dẫn cách cho kem vào túi, thấy cũng ổn, bạn nào cần thì tham khảo nhé.
Về các loại đui bắt kem và đui nào cho ra hình gì thì các bạn có thể tìm qua Google với từ khóa “wilton tip chart” sẽ thấy có rất nhiều bảng về các loại đui, chẳng hạn như hình ở dưới:
Tên tiếng Việt của các loại đui thì mình cũng không biết. bản thân mình đi mua thì dựa vào hình dáng đui là chính thôi. Để trang trí thông thường thì mình nghĩ không nhất thiết phải mua nhiều đui, có một vài loại để bắt các hình cơ bản như là sò, sao, hoa, lá, cánh hoa hồng chắc là tương đối ổn rồi. Mỗi loại có 2-3 cái để nếu cần bắt nhiều màu thì không phải thay hoặc rửa đui.
12.2 Bàn xoay & dao chà láng:
Bàn xoay giúp công việc trét kem & trang trí bánh của bạn thuận tiện hơn. Dao chà láng thì không chỉ giúp chà láng kem phủ dễ hơn mà còn có thể dùng để tạo các vân, sóng tự nhiên trên mặt bánh
12.3. Đế bánh:
13. Dụng cụ tạo hình bánh quy
Nếu bạn muốn làm bánh quy, dĩ nhiên không thể thiếu phần này rồi.
Các khuôn cắt bánh quy với đủ mọi hình thù ngộ nghĩnh sẽ giúp bạn có những chiếc bánh quy xinh xắn. Khuôn cắt bánh quy được làm từ nhiều chất liệu, khi chọn thì các bạn nên chọn các chất liệu cứng cáp, cạnh đủ sắc bén để cắt bột và cao tối thiểu 1,5-2cm.
Cũng là một công cụ giúp tạo hình bánh quy, bột được ấn vào “máy” và dùng các loại mẫu khuôn khác nhau để “phụt” ra những chiếc bánh quy có hình thù khác nhau. Bánh làm từ cookie press khá là đẹp, mình cũng thích nhưng giá mua 1 bộ cookie press tốt thì chẳng rẻ tí nào nên vẫn đang xếp vào nhóm “wish list”.
14. Dụng cụ cắt, nạo vét bột
14.1. Bench Scraper: Vét bột mỳ
Thường là một lưỡi dao sắc hình vuông hoặc chữ nhật, có 1 cạnh bọc gỗ hoặc nhựa để cầm. Tuy không phải là dụng cụ bắt buộc cần phải có nhưng cá nhân mình nghĩ Bench Scraper khá là hữu dụng, có thể dùng cho rất nhiều việc trong làm bánh, chẳng hạn như giúp “róc” bột mỳ dính trên mặt bàn trong khi nhồi bột bánh mỳ, cắt các loại bột bánh mỳ sau khi nhồi, cắt bột bánh quy (cắt hình bánh quy tròn từ một cây bột hình trụ chẳng hạn), giúp di chuyển các khối bột mỳ sau khi nhồi (và cắt)…
14.2. Dough/ Bowl Scraper
Cũng là một dụng cụ để vét bột (scraper), nhưng khác với Bench Scraper, Dough Scraper thường là một miếng nhựa hay plastic nhỏ vừa, có một cạnh thẳng, phần còn lại hình vòng cung, rất hữu dụng khi cần vét sạch âu trộn bột, hay gạt bột mỳ dính trên cây cán bột.
14.3. Cake leveler
Giúp cắt bánh ga tô thành nhiều lớp để trét kem, làm bánh nhiều tầng (nhưng mà với mình thì cái này không có tác dụng mấy)
14.4. Pizza cutter
Ngoài việc dùng để cắt pizza thì dụng cụ này cũng có thể dùng để cắt một số loại bột bánh mỳ hay bar cookies
14.5. Dao lưỡi răng cưa:
dùng để cắt bánh mỳ hoặc xẻ một số loại bánh ga-tô, giúp mặt cắt mịn màng hơn.
15. Các dụng cụ khác
15.1. Chổi quét bột, bơ:
Có một chiếc chổi như thế này sẽ rất tiện lợi khi bạn cần quét trứng hoặc bơ lên bánh mỳ trước khi nướng, hoặc phết dầu ăn/ bơ lên khuôn, hay phủi bột khô thừa trên mặt các khối bột bánh mỳ sau khi nhồi.
15.2. Kitchen torch (đèn khò):
giúp “đốt” các lớp Caramel trên mặt Creme Brulee
15.3. Dụng cụ múc kem:
Ngoài việc giúp bạn có các viên kem tròn xinh xắn thì múc kem (loại cỡ nhỏ hoặc vừa) còn giúp bạn đong lượng bột và chia bột vào các khuôn dễ dàng khi làm muffin hay cupcake, hoặc để múc các viên bột khi làm các loại bánh quy không cần nặn hình (như chocolate chip cookie chẳng hạn).
15.4. Food processor
Cá nhân mình nghĩ rằng đây là một loại máy tiện lợi và rất nên có trong nhà bếp. Food processor sẽ giúp bạn không mất công băm chặt các loại rau củ thành miếng nhỏ (khi cần xào hay nấu canh, súp…, đặc biệt là thái nhỏ các loại hạt để cho vào bánh), và có thể dùng để trộn bột cho một số loại bánh, xay hoa quả…
Spatula bằng kim loại, có lưỡi dẹt, mỏng và phẳng, dùng để chuyển bánh quy sau khi nướng xong từ khay lên rack để nguội.
Như vậy mình đã tổng hợp xong phần dụng cụ làm bánh cơ bản dành cho người mới, mong nó hữu ích đối với bạn.
Than khảo từ:
- Savoury days
- Wikipedia
- Và nhiều nguồn khác...
Hoàng Kim Thy - Tuy là một người phụ nữ hiện đại, nhưng tôi lại thích tự tay làm ra những món đồ handmade mà bản thân cảm thấy thích & phù hợp cuộc sống của mình. Dù rất thích công nghệ, nhưng tôi không để bản thân quá lệ thuộc vào công nghệ. Càng không lệ thuộc vào những tiện ích có sẵn do người khác tạo ra.