Bạn đã bao giờ nghĩ mình có thể tự làm món bánh mì que nổi tiếng thơm ngon của vùng đất Hải Phòng chưa? Không gì là không thể, thử ngay cách làm bánh mì que cay Hải Phòng trong bài viết này, chắc chắn bạn sẽ làm được những chiếc bánh mì thơm ngon như ngoài tiệm để chiêu đãi người thân, bạn bè đấy!
Bánh mì que từ lâu đã là món ăn vặt yêu thích của nhiều người không chỉ bởi hương vị thơm ngon, độ giòn dai hấp dẫn của phần vỏ bánh mà còn vì sự đặc biệt của nhân bánh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ bánh mì que là gì? Kate sẽ giải đáp thắc mắc giúp bạn nhé!
Bánh mì que nhỏ xinh, hấp dẫn là món ăn yêu thích của nhiều người
(Ảnh: Internet)
Bánh mì que là gì?
Bánh mì que hay còn gọi là bánh mì cay, đây là loại bánh mì có xuất xứ từ Pháp nhưng nguồn gốc chính là ở Vùng Torino của Ý. Món bánh này lần đầu tiên xuất hiện tại tiệm bánh ở ở Lanzo Torinese – Đông Bắc nước Ý vào năm 1679. Bánh mì que ngay từ khi mới xuất hiện đã chinh phục được vị giác của các thực khách châu Âu, châu Mỹ, Châu Á, châu Úc. Tuy mới du nhập vào Việt Nam trong vài năm trở lại đây, nhưng không thể phủ nhận “sự lan tỏa” nhanh chóng của món bánh này ở khắp mọi miền đất nước.
Bánh mì que được yêu thích bởi hương vị thơm ngon và vẻ ngoài nhỏ nhắn, xinh xắn. Món bánh này được biến tấu với nhiều hương vị thơm ngon như: pate, chà bông,…. Cùng Kate vào bếp học cách làm bánh mì que cay Hải Phòng trong công thức dưới đây, chắc chắn bạn sẽ có được món bánh thơm ngon để thưởng thức hay chiêu đãi bạn bè, người thân đấy. Chúng ta cùng trổ tài nhé!
Cùng vào bếp làm bánh mì que cay Hải Phòng nhé! (Ảnh: Internet)
Nguyên liệu cần chuẩn bị để làm bánh mì que cay Hải Phòng
- Bột mì: 490g
- Muối: ¾ muỗng
- Men nở: 1,5 muỗng
- Bột bắp: ¾ chén
- Nước ấm: 1,5 chén
Cách làm bánh mì que cay Hải Phòng thơm ngon đúng chuẩn
Làm bột bánh
Cho men nở vào âu, cho tiếp ¾ phần bột mì bạn đã chuẩn bị và ½ phần nước ấm vào trộn đều hỗn hợp. Dùng tay trộn đều hỗn hợp bột đến khi thấy bột nhão và nổi bọt là được.
Dùng tay kéo mặt bột nếu cảm nhận được độ dai là bột đạt
Trộn muối và phần bột mì còn lại vào âu bột nhão vừa trộn rồi trộn đều để có được hỗn hợp bột đồng nhất. Cho phần nước ấm còn lại vào hỗn hợp bột, trộn đều thật nhẹ tay cho đến khi thấy bột mịn dẻo, dùng tay kéo bột thì cảm nhận được độ dai mềm, không bị đứt đoạn của bột là được. Để bột nghỉ trong khoảng 3 – 5 phút.
Công đoạn nhào bột
Tiếp tục trộn phần bột cho đến khi thấy bột không còn dính vào thành âu, nếu bột nhão bạn có thể cho thêm chút bột khô, nếu bột quá khô bạn có thể cho thêm chút nước hoặc sữa tươi.
Nhào bột bằng tay trên mặt phẳng cho đến khi thành một khối đồng nhất
Lấy bột ra khỏi âu, rắc một chút bột khô lên mặt phẳng để làm bột áo, cho phần bột lên rồi dùng tay nhào bột trong khoảng 10 – 15 phút. Khối bột sau khi nhào kỹ sẽ đạt được độ mềm, không dính tay và thích hợp để ủ bột.
Ủ bột
Quết một lớp dầu ăn mỏng xung quanh âu rồi cho khối bột vào ủ, lưu ý dùng âu có kích thước lớn hơn vì khối bột sau khi ủ sẽ nở thêm. Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín âu bột.
Cho bột vào ủ ở nơi thoáng mát
Ủ bột ở nơi thoáng mát trong khoảng 1 tiếng, khi thấy bột nở lớn gấp khoảng 3 lần thì gỡ màng bọc ra, dùng tay ấn bột cho chúng xẹp lại như trạng thái ban đầu. Tiếp tục bọc kín bột ủ thêm 1 lần nữa.
Thực hiện công đoạn ủ như trên 3 lần.
Công đoạn tạo hình bánh
Sau khi ủ bột xong bạn chia bột thành những viên nhỏ bằng nhau, dùng cây cán bột cán mỏng rồi tạo thành những hình que dài khoảng 25 – 30cm tùy theo ý thích.
Để tạo hình bánh đẹp mắt hơn và để đảm bảo độ nở cho bánh mì, bạn dùng dao rạch bánh mì rạch những đường xéo song song trên bề mặt bánh trước khi cho bánh vào nướng.
Nướng bánh
Mở lò ở nhiệt độ 280 độ C trong khoảng 15 phút cho lò nóng trước khi cho bánh vào nướng. Khi lò nướng đã nóng, bạn cho bánh vào nướng trong khoảng 10 phút, sau đó điều chỉnh nhiệt độ còn khoảng 180 độ C trong khoảng 20 phút tiếp theo. Làm như vậy sẽ có được phần vỏ bánh giòn ngon và phần nhân bánh mềm mịn, dai ngon.
Hoàn thành và thưởng thức
Khi bánh mì đã chín, bạn đem ra để nguội bớt rồi dùng dao rạch một đường dài ở thân bánh rồi cho pate vào, rưới thêm một chút tương ớt vào trong bánh, thêm chút nước tương nếu bạn muốn ăn mặn hơn. Hoặc bạn có thể biến tấu với phần nhân bánh mì mà mình yêu thích rồi thưởng thức khi còn nóng sẽ thơm ngon nhất.
Thật tuyệt vời vì thành phẩm bánh mì que Hải Phòng của mình đã hoàn thành!
(Ảnh: Internet)
Yêu cầu thành phẩm
Bánh mì que cay Hải Phòng sau khi làm sẽ có hương vị thơm ngon, phần vỏ bánh giòn, mặt bánh mịn đẹp, vàng ươm đẹp mắt. Nhân bánh hòa quyện giữa vị béo ngậy của pate, hòa quyện cùng vị cay cay, mặn mặn của tương ớt và nước tương tạo nên hương vị vô cùng hài hòa.
Mời bạn cùng Kate thưởng thức món ăn siêu ngon này nhé!
(Ảnh: Internet)
Những điều cần lưu ý khi làm bánh mì que cay Hải Phòng
- Khi trộn bột bánh bạn nên lưu ý không nên cho hết phần bột và nước vào trộn đều một lần vì bột bánh có thể sẽ bị quá nhão và vón cục. Cho lượng nước từ từ vào để bạn có thể dễ dàng điều chỉnh độ đạt của bột.
- Bột bánh mì sau khi làm và ủ, bạn cần đập bột mạnh để bọt khí trong bánh thoát ra, như vậy khi làm xong bánh sẽ không bị rỗ.
- Bạn có thể học cách làm pate từ gan đơn giản tại nhà để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hợp khẩu vị cả nhà hơn.
Trên đây là hướng dẫn cách làm bánh mì que cay Hải Phòng thật thơm ngon, hấp dẫn tại nhà. Thử nghiệm công thức này, chắc chắn bạn sẽ làm thành công mẻ bánh mì siêu ngon cho bữa sáng thêm hấp dẫn. Cùng xem thêm các công thức làm bánh mì ngon tại chuyên mục để thay đổi khẩu vị mỗi ngày nhé. Chúc bạn thành công với đam mê làm bánh của mình!
Để biết thêm thông tin chi tiết về các khóa học của Dạy Làm Bánh Á Âu, bạn vui lòng để lại thông tin ở nút “Đăng ký” bên dưới, để được hỗ trợ tư vấn miễn phí nhé!