Quà tặng Người yêu

Header
collapse
...
Trang chủ / Tâm lý học tình yêu / 6 loại thuốc độc giết chết tình yêu

6 loại thuốc độc giết chết tình yêu

2018-10-21  Thu Thảo

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, không có buổi học nào hướng dẫn bạn cách trở thành người bạn trai hay bạn gái tốt. Những gì họ dạy chúng ta là về giáo dục giới tính, về quyền và nghĩa vụ trong hôn nhân, và thỉnh thoảng bạn đi tìm đọc những câu chuyện tình trong sách vở và tự học thế nào là tình yêu.

 

Rồi khi bạn thực sự bắt đầu cảm nắng một người, bạn không có ai hướng dẫn, cố cầu cứu chuyên mục Tư vấn của các tạp chí phụ nữ.

Bạn phải dùng những lần yêu đầu để làm phép thử đúng-sai trong tình yêu: nên làm thế này không, phải làm thế kia à. Và bạn cũng giống phần lớn mọi người khác: thường là sai.

Vấn đề nằm ở chỗ nhiều hành vi không tốt khi yêu đã ăn sâu vào trong nếp sống cũng như nền văn hóa của chúng ta. Chúng ta tôn thờ tình yêu lãng mạn – yêu đến nỗi đánh mất cả lý trí để rồi chìm đắm trong những giọt nước mặt và bỏ qua những điều thực tế. Cách giáo dục này gián tiếp khiến mọi người thường xem người yêu như một vật sở hữu hơn là một người để cùng chia sẻ tâm tư tình cảm của mình. Và đối với đa phần chúng ta, các bậc phụ huynh cũng không hẳn là một tấm gương tốt để ta có thể học hỏi.

May mắn thay, có khá nhiều nghiên cứu tâm lý học gần đây khai thác các mối quan hệ hạnh phúc và bền vững. Kết quả là có một số nguyên tắc luôn luôn xuất hiện mà đa phần mọi người không chú ý đến hoặc ít khi làm theo. Trong thực tế, đây đều là những nguyên tắc đi ngược lại với những gì thường được coi là “lãng mạn” hay bình thường khi yêu nhau.

Dưới đây là sáu vấn đề thường gặp khi đang yêu mà các cặp đôi thường nghĩ là bình thường và lành mạnh, nhưng thật ra lại vô cùng có hại và làm tổn hại mọi thứ mà họ đang có. Các bạn đã chuẩn bị đối diện với sự thật phũ phàng chưa nào.

1. Bới móc quá khứ

Nghĩ về tình huống này: Khi yêu nhau, hai người đều lôi những lỗi lầm trong quá khứ của nhau ra để trách móc. Họ cố biến chuyện tình của mình thành cuốn “sổ ghi nợ”, chỗ để bới móc cũng như ghi lại sai lầm của đối phương từ năm này qua tháng khác, với mục đích cuối cùng là xem xem ai nợ người kia nhiều hơn (nhiều lỗi hơn).

Bạn từng làm bạn gái bẽ mặt trong sinh nhật cô ấy vào năm 2010, và sai lầm này vẫn tiếp tục đeo bám bạn từ đó đến nay. Vì sao ư? Bởi vì không một ngày nào trôi qua mà bạn không bị trách móc về chuyện đó. Thế nhưng không sao, có lần bạn bắt gặp bồ mình nhắn tin tán tỉnh anh chàng cùng công ty và thế là hai người huề nhau, mọi chuyện ổn thỏa đúng không nào?

Hoàn toàn sai.

Vì sao độc hai: Cuốn “sổ ghi nợ” tội lỗi của 2 bạn càng lúc càng dầy lên theo thời gian vì cả hai người sẽ cố gắng bới móc càng nhiều điểm xấu, điều tội lỗi của đối phương trong quá khứ để có thể là người nắm thế chủ động. Đây là một điều vô cùng tệ hại. Bạn không chỉ đang bỏ qua những vấn đề trong hiện tại mà còn đổ thêm dầu vào lửa những sai lầm trong quá khứ của đối phương để giành chiến thắng trong cuộc cãi vã và khiến đối phương thấy bản thân có lỗi nhiều hơn.

Nếu việc này diễn ra trong một thời gian dài, cả hai đều sẽ cảm thấy mệt mỏi vì phải dành phần lớn thời gian để chứng minh mình tốt đẹp hơn người kia, thay vì làm điều cần thiết: ngồi lại với nhau và giải quyết vấn đề. Họ dành hết thời gian của mình để cố gắng chứng tỏ rằng mình ít có lỗi, chứ không cùng nhau tìm ra giải pháp.

Bạn nên: Giải quyết từng vấn đề một, chỉ đề cập thêm trong trường hợp có sự liên hệ mật thiết. Nếu một người cắm sừng bạn nhiều lần liên tiếp, đó rõ ràng là một vấn đề cần được lưu tâm. Nhưng việc cô ấy làm bạn xấu hổ vào năm 2010 và việc cô ấy làm mặt lạnh với bạn vào năm 2013 không hề liên quan gì với nhau, nên đừng lôi chuyện từ năm 2010 ra để làm tổn thương cô ấy.

Bạn phải nhận ra rằng khi bạn chọn ở bên cạnh người có nghĩa là bạn đã chọn sống chung với mọi sai lầm trong quá khứ của họ. Không chấp nhận chuyện đó cũng đồng nghĩa với không chấp nhận con người họ. Nếu bạn phiền lòng cô bạn gái một chuyện gì đó nhiều năm về trước, đáng lẽ bạn phải giải quyết nó ngay lúc đó cơ.

2. Ra “tín hiệu ngầm” rồi ấm ức

Nghĩ về tình huống này: Thay vì nói thẳng mong muốn và suy nghĩ của mình, bạn gái cố hướng bạn đi theo suy nghĩ của họ hoặc ra “tín hiệu ngầm” để bạn tự nhận thấy mà làm theo. Thay vì nói thẳng điều làm mình không hài lòng, bạn ra các dấu hiệu làm bạn gái bối rối, sau đó thỏa mãn khi phàn nàn về việc bạn gái không hiểu bạn.

Vì sao độc hại: Nó cho thấy rằng cả hai bạn đều không thoải mái khi nói chuyện thẳng thắn và trung thực với nhau. Không có lý do gì để một người phải cảm thấy ấm ức trong lòng nếu họ an tâm và tin tưởng để xả mọi thứ ra. Một người sẽ không bao giờ phải ra “tín hiệu ngầm” nếu họ biết sẽ không bị chỉ trích hay đe dọa nếu nói ra điều ấy.

Bạn nên: Hãy thẳng thắn bày tỏ cảm xúc và mong muốn của bạn. Hãy nói rõ với người yêu rằng bạn không buộc họ cũng phải hành xử kiểu này, tuy nhiên bạn sẽ rất vui nếu nhận được sự ủng hộ của họ. Nếu yêu bạn, chắc chắn họ sẽ làm.

3. Dọa chia tay

Nghĩ về tình huống này: Mỗi khi một người chỉ trích hay than phiền về người kia, họ đều kèm theo một câu dọa chia tay xanh rờn. Khi thấy bạn gái lạnh lùng, thay vì nói “Đôi khi anh thấy em lạnh nhạt quá” thì họ lại bảo “Tôi không thể hẹn hò với người lạnh lùng như cô được”.

Vì sao độc hai? Điều này làm tổn thương cảm xúc của đối phương và dẫn đến những tranh cãi không cần thiết giữa hai người. Mỗi vấn đề nhỏ nảy sinh đều có thể dẫn đến hậu quả chia tay. Điều quan trọng là cả hai phải hiểu rằng những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực cần được trao đổi và đưa ra hướng giải quyết, thay vì đe dọa chia tay.

Bạn nên: Hãy hiểu rằng xung đột không có nghĩa là không hợp nhau vì khi yêu nhau, chuyện cãi vã là hết sức bình thường. Bạn có thể yêu và sống suốt đời với một người, dù họ vẫn có vài khuyết điểm bạn không chấp nhận. Nếu cả hai người trong một mốt quan hệ có thể nói chuyện với nhau về những bất đồng quan điểm của mình mà không phải đe dọa chia tay hay đánh giá đối phương thì điều đó sẽ củng cố thêm mối quan hẹ giữa hai bạn càng bền chặt.

4. Trách người yêu vì những cảm xúc của bản thân

Nghĩ về tình huống này: Bạn có một ngày thật tồi tệ, bạn không hề cho họ biết bạn đang buồn nhưng vẫn mong họ TỰ nhận ra và đến bên cạnh chia sẻ. Xui xẻo thay hôm đó họ lại có cả núi việc với chiếc điện thoại luôn báo bận. Bạn chỉ muốn cả hai nằm dài trên giường cùng nhau xem bộ phim yêu thích, nhưng họ không thể chiều bạn vì bận công việc.

Thế là bạn cảm thấy như bị tạt một gáo nước lạnh vì người yêu nhẫn tâm và thiếu nhạy cảm. Bạn có một ngày tồi tệ còn họ thì không làm gì cả. Bạn không muốn tỏ ra đòi hỏi, vậy nên bạn im lặng chờ người yêu tự cảm nhận và làm bạn vui lên. “Sao anh không dẹp hết mọi công việc và dành cho em một ngày nhỉ?” – Bạn nghĩ thầm.

Vì sao độc hại: Đổ lỗi cho người yêu vì cảm xúc bản thân là vô cùng ích kỉ, là một ví dụ điển hình của sự kém cỏi trong kiềm chế cảm xúc. Nếu như bạn nghĩ rằng người yêu luôn phải có trách nhiệm với cảm xúc của bạn (dù cảm xúc đó do ai khác gây ra), dần dà tình yêu của bạn sẽ trở nên rất ngột ngạt. Họ không được lên kế hoạch riêng của mình mà phải hỏi ý kiến của bạn trước. Mọi việc – kể cả những việc bình thường như đọc sách hay xem tivi – đều cần phải trao đổi trước. Khi bạn (hoặc đối phương) thấy buồn, lịch hẹn cá nhân của người kia (học tập, làm việc, giải trí) đều phải bỏ qua một bên vì giờ đây trách nhiệm của họ là làm người đang rầu rĩ kia vui lên.

Mặt tối lớn nhất của việc này đó là nó làm nảy sinh sự uất ức. Nếu bạn gái tôi THỈNH THOẢNG cảm thấy khó chịu và bực bội vì có một ngày chẳng ra làm sao và cần sự quan tâm của tôi thì đó là điều dễ hiểu, nhưng nếu nó dần trở thành thói quen và mọi hoạt động trong cuộc sống của tôi đều bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của cô ấy, thì tôi sẽ cảm thấy tù túng hay thậm chí là bị kiểm soát, bởi những cảm xúc và mong muốn của cô ấy.

Bạn nên: Hãy chịu trách nhiệm cho chính cảm xúc của bản thân và chọn người yêu có suy nghĩ như thế. Có một sự khác biệt mong manh, nhưng rất quan trọng, giữa việc trở thành điểm tựa của người yêu và trở thành chiếc bóng của họ. Mọi sự hi sinh nên xuất phát trên tinh thần tự nguyện của bạn chứ không phải là sự cưỡng ép do kì vọng của người yêu.

 

5. Ghen tuông mù quáng

Nghĩ về tình huống này: Bạn luôn cảm thấy bực dọc khi người yêu nói chuyện, đụng chạm, gọi điện, nhắn tin, đi chơi hay thậm chí chỉ là liếc mắt theo một ai đó và rồi bạn bắt đầu trút mọi giận dữ đó lên người yêu và cố kiểm soát mọi hành động của họ. Điều này thường dẫn đến những hành động mất tự chủ như cố trộm mật khẩu để xem email của người kia, nhìn lén tin nhắn điện thoại khi họ đang tắm hay thậm chí là bám đuôi họ khắp nơi rồi bất thần xuất hiện để cố bắt quả tang.

Vì sao độc hại: Tôi cảm thấy rất ngạc nhiên khi nhiều người cho rằng đây là hành động bình thường để thể hiện tình yêu của họ. Họ nghĩ rằng không ghen tuông nghĩa là không yêu.

Điều này là hoàn toàn nhảm nhí và rập khuôn. Nó dẫn đến những cuộc cãi vã không cần thiết và đồng thời gửi đi một thông điệp về sự không tin tưởng. Thật lòng mà nói, điều này thậm chí còn hạ thấp danh dự người khác. Nếu bạn gái tôi tỏ vẻ không tin tưởng khi tôi ở cạnh những người phụ nữ quyến rũ khác, chẳng phải cô ấy đang nghĩ rằng tôi hoặc là thằng đểu, hoặc không kiểm soát nổi bản thân sao? Dù là trường hợp nào thì tôi cũng không muốn hẹn hò với kiểu phụ nữ nghĩ tôi như thế.

Bạn nên: Hãy tin tưởng người yêu của bạn, đó là một yêu cầu cơ bản. Ghen một tí vẫn bình thường, thậm chí đôi khi đáng yêu. Nhưng những ghen tuông mù quáng là không đáng có và bạn nên học cách tự giải quyết nó hơn là đổ lên đầu người yêu của bạn. Hành xử như thế chỉ khiến người yêu dần rời xa bạn thôi.

6. Tặng quà để xin lỗi

Nghĩ về tình huống này: Mỗi khi có xung đột, thay vì giải quyết vấn đề, bạn lại cố làm người yêu bỏ qua bằng cách bù đắp một món quà đắt tiền hay một chuyến du lịch xa hoa.

 

Ba mẹ tôi rất thường như vậy. Và điều gì đến phải đến: một cuộc li dị trong ồn ào và 15 năm không hề nói chuyện với nhau kể từ đó. Họ đều từng tâm sự với tôi rằng đây là một trong những vấn đề chính trong hôn nhân của họ: liên tục che lấp những vấn đề bằng những món quà vật chất.

Vì sao độc hại: Bởi vì nó không chỉ che giấu đi vấn đề thực sự giữa cả hai (vấn đề này sẽ lặp lại và thậm chí còn tệ hơn lần trước) mà còn dẫn đến thói quen không tốt trong tình cảm. Hành động tặng quà này dù xuất phát từ nam hay nữ đều mang lại kết quả không tốt đẹp như nhau, tuy nhiên tôi sẽ lấy một ví dụ điển hình: nam tặng quà nữ để xin lỗi. Thử tưởng tượng một phụ nữ đang tức giận với chồng hay bạn trai cô ấy, và người đàn ông giải quyết vấn đề bằng cách tặng cô ấy một món quà xinh xinh, hay đưa cô tới một nhà hàng sang trọng. Điều này không chỉ làm cô ấy muốn kiếm thêm chuyện để bắt bẻ mà còn khiến anh ta dần vô trách nhiệm với các vấn đề giữa hai người. Vậy kết quả là gì? Ông chồng cảm thấy mình chỉ như cái máy ATM và bà vợ thì thấy đau lòng vì không bao giờ được lắng nghe.

Bạn nên: Kể từ bây giờ, các vấn đề giữa hai bạn cần được giải quyết ổn thỏa. Bạn sợ lòng tin cô ấy sụp đỏ? Hãy xây dựng lại nó. Bạn thấy anh ấy không quan tâm đến cảm xúc của bạn? Hãy nói thẳng với anh ấy những điều đó. Hãy giao tiếp với nhau!

Tặng quà sau khi cãi nhau là việc làm hết sức bình thường NẾU 2 bạn đã giải quyết được vấn đề, nó có thể giúp đối phương thấy được lòng thành và giúp chuyện tình của bạn ngày càng vững chắc hơn. Nhưng bạn không nên dùng những món quà đó để né tránh việc phải giải quyết vấn đề đang hiện hữu giữa hai bạn. Quà tặng và những chuyến du lịch giúp chuyện tình yêu đẹp lên khi mọi thứ đang đi đúng hướng. Nếu bạn dùng nó để che đậy sự rạn nứt, vết nứt sẽ ngày càng lớn và rồi một ngày không thể hàn gắn nữa.

-Nguồn: Tâm lý học tội phạm-

6 loại thuốc độc giết chết tình yêu


2018-10-21  Thu Thảo