Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cảm giác đang yêu có thể mang lại cho người ta sự hưng phấn và kích thích không khác gì cocaine. Và điều đó có thể lý giải cho việc khi người ta đột ngột bị “rơi khỏi tình yêu”, đất trời sẽ như sụp đổ. Nỗi đau khổ phía sau đó chẳng khác gì một “cơn nghiện” không được đáp ứng. Một số người thậm chí còn rơi vào trầm cảm nghiêm trọng. Đặc biệt, những người hứng chịu sự phản bội, bị mất đi người mình yêu thương vì người thứ ba còn có thêm những trạng thái cảm xúc tiêu cực khác như cay đắng, giận dữ, cô đơn. Và đó là khi họ dễ dàng tìm đến một người khác để mong có một chỗ dựa tinh thần.
Nhiều người cho rằng việc tìm một người để lấp chỗ trống khi đang đau khổ vì chia tay là chuyện không nên. Tuy nhiên, nhiều nhà tâm lý học chỉ ra rằng dù khó khăn, nhưng phản ứng của trái tim với một đối tượng mới sau những đổ vỡ mang lại lợi nhiều hơn hại. Đơn giản là vì những thử thách của xúc cảm buộc chúng ta phải tự điều chỉnh suy nghĩ và hình thành nên “sức đề kháng” cho bản thân, trở nên trưởng thành hơn trong cuộc sống. Và xúc cảm tích cực trước một người mới cũng giống như một liều thuốc bổ để quá trình làm lành vết thương được diễn ra nhanh hơn.
Hầu hết chúng ta đều tin rằng những mối quan hệ “lấp chỗ trống” không mấy khi kéo dài. Tuy vậy, việc chúng ta tìm được một ai khác trước hết vẫn là một điều tốt. Đây là một cách hữu hiệu để não bộ của chúng ta từ bỏ những đường mòn cảm xúc, dẫn ta về với người yêu cũ và sẵn sàng cho một sự khởi đầu hoàn toàn mới. Và một khi bạn đã sẵn sàng để cắt đứt với những thói quen và nhu cầu cũ, cũng là khi bạn đã sẵn sàng cho một mối quan hệ mới. Và thay vì gọi đó là lấp chỗ trống, chúng ta nên gọi đó là một mối quan hệ hàn gắn.
Một mối quan hệ hàn gắn không phải lúc nào cũng chỉ là những cảm xúc hời hợt. Trước khi bạn bước vào mối quan hệ này, bạn đã có sẵn nhu cầu tự giải quyết với bản thân về các vấn đề còn đọng lại từ mối quan hệ trước đó. Bạn hiểu lý do dẫn đến sự đổ vỡ trước đây và bạn sẵn sàng để sửa chữa lỗi lầm. Một người mới giúp bạn cảm thấy tự tin hơn và có thêm sức mạnh, thêm vào đó, bài học bạn vừa học được từ mối quan hệ trước sẽ giúp bạn hoàn thiện hơn. Đó là một lợi thế đặc biệt.
Điều khác biệt giữa việc bạn mù quáng lao vào một mối quan hệ mới vì tình dục – chỉ nhằm che lấp sự cô đơn, vì muốn tìm kiếm một ai đó giống như người vừa rời bỏ mình và một mối quan hệ hàn gắn thực sự là ý thức. Bạn hiểu rằng bạn đang có tâm thế của một người muốn bước tiếp, muốn được hạnh phúc và trở nên lạc quan hơn.
Để phân biệt được hai điều này một cách rõ ràng hơn, bạn nên hỏi mình 4 câu sau:
1. Có phải mình chỉ muốn hẹn hò và sex với ai cũng được? Nếu câu trả lời là có, bạn nên ngừng ngay mối quan hệ mới. Đi du lịch, ngồi thiền, làm một việc gì đó cho bản thân là lựa chọn tốt hơn nhiều để tìm thấy sự bình yên của bản thân mà không làm tổn thương ai cả.
2. Có phải mình đang nói quá nhiều về người cũ với người mới? Nếu câu trả lời là có, bạn nên tìm đến bạn bè, viết blog để nói ra hết những điều bạn muốn nói về người cũ. Sau đó, bạn nên dành thời gian làm việc khác để tránh liên tục gợi nhắc mình về người cũ.
3. Tâm trạng của bạn có thay đổi liên tục? Nếu câu trả lời là có, chuyện vui rồi buồn đấy sau chia tay là bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn liên tục rất vui khi có người mới bên cạnh rồi lại đau khổ, vật vã khi ở một mình thì bạn vẫn chưa nên có một mối quan hệ mới đâu.
4. Bạn vẫn mong người cũ quay lại với mình? (Hoặc bạn biết mình sẽ quay lại ngay với họ nếu họ mở lời), đây chính là dấu hiệu nguy hiểm nhất cho thấy bạn chỉ đang dùng người mới như một viên thuốc giảm đau, thỏa mãn lòng hiếu thắng. Nếu chừng nào bạn vẫn còn thức dậy với mong muốn người kia sẽ về với mình thì bạn vẫn chưa thể thực sự yêu ai khác.
Vậy khi nào bạn đã sẵn sàng?
Đó là khi dù bạn vẫn thấy buồn, cô đơn, và vẫn nhớ về người cũ, nhưng bạn hiểu tất cả đã kết thúc. Bạn cảm thấy cần có một ai đó bên cạnh, nhưng bạn cũng hiểu rõ rằng đó không thể là bất kỳ ai. Sau khi chia tay, dù là người đề nghị, bạn có thể vẫn cảm thấy trống rỗng và tưởng chừng mình sẽ không bao giờ yêu được nữa. Tuy vậy, nếu bạn may mắn gặp một người quan tâm và muốn phát triển mối quan hệ với bạn và bạn hạnh phúc vì điều ấy, dù chuyện đó có đến sớm hơn bạn tưởng tượng, hãy cho mình một cơ hội.
Nếu trả lời Không với cả 4 câu hỏi phía trên, bạn hãy chăm sóc cho chính mình vì mối quan hệ mới theo 7 cách sau:
1. Bắt đầu ngày mới của bạn bằng cách nhắc nhở mình về những giây phút hạnh phúc bạn đã có với người mới, về chuyện bạn đã may mắn ra sao khi có sự tự do để tìm ra người trân trọng bạn và một người bạn trân trọng.
2. Dù thế nào đi nữa, hãy tự kiềm chế việc nhắc về người cũ bằng thái độ giận dữ. Nói chuyện với một thái độ tốt giúp bạn duy trì khả năng tập trung vào những điều tích cực và có một mối quan hệ mới tốt đẹp hơn.
3. Ngay sau khi chia tay, dù đã có người mới, bạn vẫn không tránh được những lúc thấy buồn. Đó là chuyện bình thường. Tuy nhiên, để tránh rơi vào những khoảnh khắc như vậy, hãy chụp lại những khoảnh khắc hạnh phúc của bạn bên người mới và ngắm chúng khi buồn.
4. Thể hiện sự nghiêm túc với chính mình bằng cách xóa hoặc cất hết những vật kỷ niệm cũ, những hình ảnh cũ trên mạng xã hội. Điều ấy không chỉ giúp trái tim bạn thanh thản mà còn giúp người mới tin tưởng bạn.
5. Nhắc mình không nên kỳ vọng quá nhiều vào người mới. Một cuộc tình kết thúc luôn đi kèm với rất nhiều thất vọng. Tuy nhiên, bạn đừng cố gắng dùng người mới để bù đắp cho những gì mà mối quan hệ cũ của bạn không có.
6. Hãy liên tục nhắc nhở mình về những bài học từ mối quan hệ cũ. Những bài học của bạn còn mới nguyên, hãy tận dụng điều đó để trở thành một người tốt hơn trong mối quan hệ. Đừng lặp lại các sai lầm, vì qua từng mối quan hệ, bạn lại lớn lên.
7. Hãy thả lỏng và chấp nhận mọi chuyện đến từ từ. Nếu người mới chọn cách tiếp cận dè dặt vì biết bạn chỉ vừa chia tay chưa lâu, hãy chấp nhận điều đó. Có thể những gì anh mang tới cho bạn lúc này chỉ là cái nắm tay, hoặc một cái ôm, hãy tận hưởng những điều đó trước. Đừng hối hả lao vào một mối quan hệ chỉ vì bạn cần chạy trốn nỗi buồn.
Như một câu thành ngữ quen thuộc: Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác mở ra. Nếu bạn thực sự tin rằng mình đã sẵn sàng mở cửa trái tim – dù chỉ sau thất bại chưa lâu, hãy đừng ngại vươn cánh tay, đừng sợ sự thất bại, đừng nghi ngại ở bản thân.
-Nguồn: elle.vn-