Tình yêu luôn đem đến cho mọi người niềm vui và sự hạnh phúc. Nhưng với nhiều người, do từng bị tổn thương nặng nề trong tình cảm hay mặc cảm mà không dám mở lòng đón nhận tình yêu.
Hãy cùng nhau tìm hiểu “hội chứng sợ yêu” qua các nghiên cứu tâm lý dưới đây để hiểu hơn về nguyên nhân ngăn cản chúng ta tìm kiếm tình yêu dù luôn chán ngán cảnh F.A.
1. Sợ bị tổn thương
Hẳn ai cũng hiểu rằng, một mối quan hệ mới giống như một cuộc thám hiểm tiềm ẩn nhiều hiểm nguy khiến ta luôn sợ hãi. Khi chấp nhận đặt niềm tin và tình cảm vào đối phương, não bộ sẽ được kích thích sản sinh dopamine – một chất truyền dẫn thần kinh (neurotransmitter), được các nhà nghiên cứu gọi là hormone kích thích niềm vui và sự hứng thú.
Tuy nhiên, với những người đã từng bị tổn thương thì đi kèm với sự hưng phấn trong tình yêu là nỗi lo lắng sợ bị tổn thương. Do đó, các nghiên cứu tâm lý cũng chỉ ra, với những người từng “đau đớn” trong tình yêu, họ sẽ cố tránh né để không bị tổn thương trong tình yêu bởi họ tin, “yêu càng nhiều càng khổ”.
2. Sợ gợi nhớ quá khứ đau thương
Khi bắt đầu một tình yêu mới, chúng ta ít khi quan tâm quá khứ ảnh hưởng đến tình cảm hiện tại như thế nào. Tuy nhiên không phải ai cũng biết rằng, những rạn nứt trong tình cảm trước đây hay những tổn thương thời thơ ấu có tác động rất lớn đến nhận thức tình cảm, khiến mối quan hệ mới trở nên xa cách, dễ tan vỡ.
Những kí ức buồn mang phần tiêu cực trong quá khứ có thể làm chúng ta cảnh giác và không muốn “mở lòng” trước những mối quan hệ mới. Đây cũng là kết quả nghiên cứu do tiến sĩ, chuyên gia tâm lý Pat Love dẫn đầu. Theo đó, một mối quan hệ tình cảm càng sâu sắc trước đó càng khiến bạn khó quên và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những mối quan hệ sau.
Vì thế, các chuyên gia tâm lý cho rằng, mọi chuyện đã qua hãy để nó qua đi, nhìn về quá khứ chỉ khiến bạn trở nên nuối tiếc hơn, điều bạn cần làm là khởi động cho những dự định, mối quan hệ sắp tới.
3. Sợ thay đổi bản thân
Trong một mối quan hệ, điều đáng sợ nhất là khi đối phương thấy được những khuyết điểm khó chấp nhận của bản thân. Thế nhưng, thay vì sửa đổi chúng, ta lại luôn mặc cảm và chấp nhận, thậm chí từ bỏ những mối quan hệ lý tưởng để “nuông chiều” tật xấu của mình.
Ngoài ra, sự mặc cảm vô dụng, suy nghĩ không xứng đáng được yêu và nỗi sợ hãi thay đổi luôn là kẻ thù số một của tình yêu. Kết quả của dự án khảo sát tâm lý nhìn nhận và thay đổi bản thân được tiến hành ở Mỹ đã chỉ ra, thay vì trốn tránh, mỗi người nên chấp nhận khuyết điểm của mình và thay đổi chúng.
Chính sự thay đổi mới thể hiện thành ý dành cho đối phương, cũng như sự chắc chắn cho mối quan hệ. Thế nhưng, bạn nên xác định rõ đâu là tật xấu, đâu là đặc điểm riêng trước khi lên kế hoạch sửa đổi.
4. Sợ niềm vui chóng tàn
Nhiều người thường tránh xa những điều khiến mình trở nên hạnh phúc bởi lo sợ khi mất đi, nỗi đau đớn tột cùng sẽ đến tìm đến và làm họ gục ngã. Điều này khiến chúng ta luôn cảm thấy bất an, dẫn đến những quan điểm và hành vi tiêu cực. Nỗi sợ này vô tình khiến đối phương cảm thấy hụt hẫng mỗi khi bước vào một cuộc tình.
Kết quả của một nghiên cứu tâm lý của các nhà khoa học Anh tiến hành trên 50 cặp đôi yêu nhau và một trong hai người mắc chứng bệnh hay lo sợ này chỉ ra, khi yêu, nỗi sợ này còn khiến họ do dự, không yêu thương hết mình.
Điều đó vô tình khiến cuộc tình sớm mất nhiệt và kết thúc. Bởi đó, các chuyên gia khuyên rằng, hãy “quẳng gánh lo đi” mà yêu hết mình, vì có như thế, niềm vui sẽ nối tiếp niềm vui.
5. Sợ tình yêu không được đáp trả
Đây là nỗi sợ chung của rất nhiều người, nhất là những ai yêu đơn phương. Nỗi sợ này bắt nguồn từ lo lắng “cho nhiều nhưng không được nhận”. Nhưng các chuyên gia tâm lý học đã chỉ ra, sự thật thì tình yêu luôn mất cân bằng.
Điều này là do vùng extrastriate của não – nơi chịu trách nhiệm đánh giá người khác đã được kích hoạt, tuy nhiên, vùng tiếp giáp giữa thùy đỉnh và thùy thái dương (TPJ- temporoparietal junction) cũng hoạt động theo.
Điều này cho thấy khi đang yêu, chúng ta luôn thấy mình yêu nhiều hơn so với đối phương, dẫn đến những dằn vặt, hờn ghen và trách móc. Thế nhưng bạn có biết, lo lắng thái quá chỉ khiến chúng ta làm xấu đi mối quan hệ và luôn che đậy cảm xúc thật của mình. Thay vào đó, hãy dũng cảm lên và để cảm xúc tự nhiên lên tiếng.
6. Sợ rạn nứt mối quan hệ với gia đình
Tình yêu là biểu hiện chứng tỏ sự trưởng thành. Tình yêu cũng là sự bắt đầu cho cuộc sống độc lập và tự chủ. Vì thế, nhiều người suy nghĩ bắt đầu mối quan hệ nghiêm túc đánh dấu cho giai đoạn phải rời xa gia đình.
Thế nhưng, sự thật là tình yêu khiến ta có trách nhiệm với gia đình hơn. Bên cạnh đó, tình yêu chỉ là mối quan hệ trên mức độ tình cảm thông thường và rất tách biệt với tình yêu gia đình.
7. Sợ đánh mất tình yêu
Có một sự thật là càng đạt được nhiều thì lại càng sợ mất nhiều. Một người càng có ý nghĩa với ta thì ta lại càng sợ mất họ. Cuộc sống dường như ý nghĩa và quý báu hơn khi tình yêu đến. Điều này khiến khi mất đi, cuộc sống ta trở nên vô vị và cực kỳ kinh khủng.
Theo khảo sát, số người có nguy cơ trầm cảm và tự sát sau khi chia tay cao hơn nhiều lần với người giàu phá sản. Chính nỗi sợ mất mát sẽ khiến ta chối từ tình cảm lâu dài và sa đà vào những mối quan hệ chóng vánh.
Phương pháp chữa trị nỗi sợ này chỉ có thể tìm ra bằng cách yêu hết mình, vì dẫu khi chia xa, bạn cũng sẽ không nuối tiếc vì ngày xưa chưa cố gắng. Hãy trang bị cho mình sự dũng cảm, dám đối đầu với nỗi đau chia tay, vì cuộc sống khó tìm ra những gì mãi mãi.
Hầu hết các mối quan hệ tình cảm đều đầy thử thách và chông gai. Nhận biết được những nỗi sợ hãi khi bước vào ngưỡng cửa tình yêu là một bước quan trọng để có một tình yêu hoàn hảo. Hãy tìm hiểu chính bản thân, tự tạo cho mình cơ hội tìm kiếm và duy trì tình yêu lâu dài.
-Nguồn: Sưu tầm-