LaraMag - Laravel News / Magazine Multilingual System

Header
collapse
...
Home / Tâm lý học tình yêu / Bài học tình yêu từ cụ bà 94 tuổi chờ chồng 50 năm mà vẫn mỉm cười khi chồng trở về với người vợ mới

Bài học tình yêu từ cụ bà 94 tuổi chờ chồng 50 năm mà vẫn mỉm cười khi chồng trở về với người vợ mới

2018-10-21  Thu Thảo

 Hơn 50 năm chờ đợi, từng hóa điên vì tưởng chồng mất trong chiến tranh, đến khi gặp lại, người cũ đã có vợ con yên ấm. Dòng nước mắt đã cạn khô nhưng sau cùng, thay vì oán giận, cụ Xuân lại chọn cách giữ cho riêng mình những hồi ức đẹp về cuộc tình không trọn vẹn.

Có một sự thật, đó là trong cuộc sống, đôi khi chúng ta sẽ gặp những bài học đến từ những con người không ngờ nhất. Tôi đã luôn nghĩ rằng, những bài học về tình yêu thì hẳn nhiên, sẽ có những người đồng trang lứa, hoặc ai đó đã từng trải chuyện tình trường. Thế nhưng khi biết được câu chuyện của cụ Nguyễn Thị Xuân, năm nay 94 tuổi – mọi suy nghĩ của tôi đều trở thành… sai hết. Hơn 50 năm chờ đợi, những tưởng chồng đã ra đi trong chiến tranh, và rồi ngày gặp lại, người chồng ấy đã có vợ con yên ấm. Vậy mà cụ Xuân vẫn có những suy nghĩ về tình yêu khiến chúng ta đều có thể tìm ra một bài học cho mình. Những suy nghĩ khiến câu chuyện của cụ không chỉ là một câu chuyện cảm động về một tình yêu không trọn vẹn, mà còn là một bài học mà mọi thế hệ, mọi con người, mọi hoàn cảnh đều có thể soi chiếu.

 Chuyện tình của cụ Nguyễn Thị Xuân (94 tuổi, thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, H.Đông Anh, Hà Nội) kể ra rất dài nhưng khi nhắc lại, cụ chỉ muốn tóm tắt nó như một tiểu sử. Đó là vào mùa đông năm 1944, cụ Xuân đi bán hàng ăn ở Hải Phòng rồi tình cờ quen ông Shimizu Yoshiharu (SN 1919, người Nhật Bản). Mối tình ngày ấy bắt đầu bằng lời tỏ tình rất ngô nghê. “Ông ấy chỉ hỏi một câu bằng tiếng Nhật là cô Xuân đã có người yêu chưa, thế là tôi nhận lời và nên duyên vợ chồng“.

Năm 1945, hai người tổ chức đám cưới. Ông Shimizu Yoshiharu lấy tên Việt Nam là Nguyễn Văn Đức, tham gia quân đội Việt Minh, thực hiện công tác huấn luyện binh lính tại nhiều địa phương. Và dù ông đi tới đâu, cụ Xuân đều bồng bế con theo tới đó.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, vào một ngày năm 1954, ông Đức nói với vợ mình phải quay về Nhật Bản, rằng đó là chuyến công tác khá dài, nhiều nhất có thể mất 1 năm. Chia tay chồng, cụ Xuân trở lại ngôi nhà nhỏ ở Hà Nội, gồng gánh nuôi 3 con nhỏ, ngày ngày đợi chờ người đi xa trở về. Nhưng cụ cứ đợi, năm này qua tháng khác, cho đến lúc các con đều đã lớn… người đi cứ đi mãi, không bao giờ thấy quay lại.

 Tưởng chồng đã mất vì chiến tranh, cụ Xuân chọn ngày cuối cùng gặp chồng để làm ngày giỗ. Thế nhưng trong sâu thẳm, cụ luôn nuôi hy vọng ông Đức vẫn còn sống. Trải qua nhiều khó khăn, biết bao lần hỏi thăm tin tức, năm 2006, lần đầu tiên sau 52 năm xa cách, cặp vợ chồng ngày nào gặp lại nhau nhưng lúc này, ông Đức lại dẫn thêm vợ và 3 người con từ Nhật Bản, cùng sang Việt Nam, thăm mẹ con cụ Xuân.

Cuộc tình đã không trọn vẹn, lời hứa bên nhau trọn đời, hứa sẽ mãi chỉ yêu một người từ nay cho đến mãi về sau đã không thành hiện thực. Hơn 50 năm chìm ngập trong những giọt nước mắt đắng cay, từng hóa điên vì tưởng mất chồng vĩnh viễn, nếu là người khác, ngày gặp lại, chắc họ sẽ phải oán trách nhiều lắm. Bởi trong lúc cụ Xuân ngày ngóng, đêm mong, vật lộn với cuộc sống để lo cho các con ăn học nên người thì ở nơi xa, ông Đức lại yên ấm trong một vòng tay khác.

 Thế nhưng vì yêu, cụ Xuân chưa từng nửa lời than trách chồng hay hối tiếc vì ngày còn thanh xuân, đã yêu và lấy người đàn ông ấy.

Khi tuổi đã xế chiều, nghĩ về cuộc tình của mình, cụ Xuân luôn cố gắng kể thật nhiều hồi ức tốt đẹp. Cụ bảo, 9 năm sống cùng ông Đức là quãng thời gian đẹp nhất trong đời cụ. Họ đã bên nhau vào giai đoạn đất nước khó khăn nhất, đi qua nạn đói khủng khiếp năm 1945 và chứng kiến ngày miền Bắc giành lại hòa bình năm 1954.

Thời cuộc chi phối nhiều đến tình cảm riêng tư. Trong cuộc chiến tranh tàn khốc ấy, người ta bên nhau vì nghĩa tình ngày hôm nay, yêu hết mình và sống trọn vẹn từng phút giây vì biết đâu đấy, ngày mai thức dậy, rất có thể 1 trong 2 người sẽ mãi mãi không tỉnh dậy. Giống như đứa con gái đầu lòng của cụ Xuân đã mất vì dịch sốt rét ở chiến trường. Giống như nhiều lần ông bà đã nắm tay nhau, tận mắt nhìn thấy đồng đội mình ngã xuống.

Vào những lúc khó khăn ấy, ông Đức luôn nắm tay tôi cùng vượt qua“. Họ đã cùng nhau đi qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, những đớn đau không thể diễn tả thành lời. Đối với cụ Xuân, đó là nghĩa tình sâu nặng mà những người không sống cùng thời, rất khó hiểu hết.

Đối với cụ Xuân, tình yêu đẹp không phải cứ nhất nhất là nắm tay nhau từ sáng tới tối, hứa bên nhau từ thanh xuân tới lúc già. Cụ tin rằng, cuộc tình trọn vẹn là khi nó còn sống mãi trong trái tim của cả hai người và tất cả giây phút bên nhau, họ đã yêu bằng một tình cảm nồng cháy, chân thành.

 “Ông Đức ít nói, rất lịch sự, hiền lành. 9 năm ở bên nhau, chưa bao giờ ông ấy nửa lời mắng nhiếc, lúc nào cũng nhẹ nhàng, biết tôi sai thì từ từ phân tích“. Cụ Xuân cũng rất nhớ những ngày đi công tác xa, ông Đức đều tranh thủ gửi thư hoặc đạp xe về thăm mẹ con cụ. Có lần từ trên Thái Nguyên, ông đạp xe về Hà Nội thăm rồi chiều hôm sau lại trở ngược lại đơn vị.

 “Tất cả đều do chiến tranh đã chia cắt. Ông ấy đã nhiều lần nhờ người về Hải Phòng tìm tôi nhưng không thấy vì tôi lại về Hà Nội sinh sống. Chiến tranh loạn lạc ly tán, những mối quan hệ chung cũng dần mất đi nên tìm kiếm khó khăn. Ông ấy còn có nhiệm vụ đặc biệt ở Nhật Bản nên không về tìm tôi được“, cụ Xuân nói.

Sau khi biết tin ông Đức vẫn còn sống tại Nhật Bản, cụ Xuân chỉ biên gửi một bức thư ngắn gọn: “Tôi không ngờ, tôi lại mất anh?“. Đáp lại bức thư đầy chua chát, đớn đau ấy, ông Đức gửi tặng cụ một đôi đũa, 3 chiếc thìa và 1 đôi tất với ngụ ý: “Trước sau vẫn là vợ chồng/ Còn con, còn cái vẫn còn ấm chân“. Rồi ông tặng cụ 10 chiếc khăn mặt để lau nước mắt. Hơn ai hết, ông Đức hiểu rõ tất cả khó khăn, đau khổ mà cụ Xuân đã đi qua. Bởi thế vào lúc sức lực sắp tàn, phải ngồi trên xe lăn, ông vẫn cố gắng vượt gần 4.000km sang thăm vợ con ở Việt Nam.

 Khoảnh khắc gặp lại ông Đức, bao nhiêu giận hờn trong lòng cụ Xuân bỗng chốc tan biến. Đến cuối cùng chỉ còn lại tình yêu thương. “52 năm sau gặp lại, tôi cảm giác tình yêu của ông ấy vẫn không thay đổi”. Cụ Xuân bảo, trước khi sang Việt Nam, ông Đức cũng từng gửi một lá thư xin lỗi rất cảm động. Trong thư, ông Đức nói sức khỏe đã rất yếu nhưng vì muốn sang Việt Nam thăm mẹ con cụ Xuân nên sẽ cố gắng rèn luyện bản thân, hồi phục phần nào để có thể giữ trọn lời hứa.

“Ngày sang Việt Nam, gặp nhau rồi thì xúc động lắm, cả hai đều rưng rưng nước mắt. Ông ấy cứ nhìn tôi suốt. Các con thì ôm bố khóc. Ông bảo ông yếu lắm, không đủ sức nói nhiều, chỉ muốn dặn dò các con phải luôn tôn trọng mẹ dù ở địa vị ông, chưa bao giờ làm tròn trách nhiệm của một người cha”./r/n

Lần gặp lại đó, cụ Xuân và người vợ của ông Đức cũng bắt tay nhau, ân cần chuyện trò. Cụ Xuân nói mình rất quý vợ ông Đức và hiểu rằng, trong tất cả chuyện này, bà ấy không hề có lỗi. “Tôi hiểu, người đàn ông luôn cần có một người phụ nữ ở bên để chăm sóc. Tôi mừng vì ông ấy đã có nơi yên ấm, không phải vất vả như tôi“.

Cụ Xuân nói điều làm cụ mãn nguyện nhất là đã gặp lại được người cũ, biết ông có gia đình và sống bình an. “Lúc gặp lại, ông ấy nói mình hối hận nhiều lắm. Trên sân thượng, ông ấy nắm tay tôi rưng rưng, hỏi rằng bây giờ anh phải làm thế nào. Tôi bảo tôi chẳng cần gì cả, chỉ cần ông về thăm, thế là đủ”.

Cụ Xuân bảo tình yêu vốn không có luật lệ, không có đúng sai. Cho đến cuối cùng, tình yêu đẹp hay không đẹp, tất cả đều do cách chúng ta nhìn nhận và đánh giá. Hơn nửa thế kỷ đợi chờ, khi nhớ lại dường như những năm đó với cụ Xuân chỉ như một thoáng đợi chờ dễ dàng bị xóa mờ. Chỉ có kỉ niệm và tình yêu đẹp mới là thứ cụ không thể quên.

“Vì thực ra trong đầu óc người ta, chuyện lưu giữ ký ức tồi tệ rất khó, trừ khi là ngày nào họ cũng nhắc đến và khắc sâu thêm nỗi đau của chính mình. Nếu để tự nhiên, không cần làm gì, thời gian tự khắc sẽ bôi xóa. Có lẽ vì cuộc đời con người ta, đắng cay, khổ cực mới là chuyện thường còn những hồi ức đẹp nó lại thường quá ngắn ngủi, ít ỏi. Nhưng vì nó ít nên ta lại nhớ lâu, bền chắc hơn để mỗi khi lật giở lại kỉ niệm, chỉ muốn kể, muốn tả về khoảng kí ức dịu dàng, hạnh phúc”.

Tha thứ, có lẽ là liều thuốc cuối cùng chữa lành mọi vết thương và nó sẽ giúp tình yêu, hạnh phúc được nối dài từ trong chính trái tim của bạn!

-Nguồn: Sưu tầm-

Bài học tình yêu từ cụ bà 94 tuổi chờ chồng 50 năm mà vẫn mỉm cười khi chồng trở về với người vợ mới


2018-10-21  Thu Thảo