Có những cuộc tình phải gián đoạn hay chia lìa vĩnh viễn và có những cuộc hôn nhân phải sống trong u uất, tủi hờn hoặc tan vỡ một cách đáng tiếc… Không phải vì họ gặp nghịch cảnh hay có mâu thuẫn gì nghiêm trọng, mà chỉ vì lỡ lời hoặc cố ý “bắn súng lục” vào nhau bằng những lời nói đau nặng…
Ước gì em đã không lỡ lời…
Đó là một câu được ca sĩ Mỹ Tâm hát khá thành công, được nhiều người yêu thích vì đã diễn tả được nỗi cô đơn, dằn vặt, ân hận, nuối tiếc của một bạn gái khi đã lỡ nói một câu gì đó, khiến người bạn trai quay lưng lại với cô. Đó là một sai lầm mà nhiều bạn gái nhiều khi vô tình hay cố ý mắc phải, để rồi trả cái giá rất đắt.
Sức mạnh của ngôn từ là vô cùng, đặc biệt trong tình yêu. Nó có thể làm một con người sống dở chết dở được hồi sinh, tâm hồn đang buồn đau lập tức trở nên hân hoan, rạng ngời hạnh phúc. Nhưng nó cũng sắc lẻm như một đường gươm và làm chết tức tưởi một tình yêu đang tươi mới.
Minh Anh yêu Ninh, nhìn bên ngoài trông họ không mấy xứng đôi, nhưng bạn bè quen biết ai cũng hiểu đó là một đôi “trai tài, gái sắc”. Vì Minh Anh khá xinh đẹp đang học ở một trường trung cấp, còn Ninh, học cùng trường nhưng đã ra trường hai năm và đang học đại học tại chức. Tuy chưa có bằng kỹ sư, nhưng Ban giám đốc quý anh như vàng vì anh giỏi giang chịu khó và luôn có những sáng kiến làm lợi cho công ty cả tỉ đồng.
Trong công ty có những danh hiệu thi đua nào là anh “đoạt” hết, tiền thưởng lúc nào cũng cao hơn người khác, anh cũng là một cây văn nghệ của cơ quan, hát hay, đàn giỏi hay tham gia hội diễn, liên hoan văn nghệ trong Tổng công ty lúc nào Ninh cũng giật được giải. Không ít cô gái mơ ước có được người yêu như Ninh, dù Ninh có khuôn mặt khá gồ ghề khó gây ấn tượng với phái nữ và dáng người lùn thấp. Đó cũng chính là nỗi đau sâu kín của Ninh, từ nhỏ anh mặc cảm mình xấu xí, bị gọi là “chàng cóc”. Nhưng cũng chính vì thế mà Ninh nuôi chí học hành vươn lên, dù gia đình rất khó khăn.
Yêu Ninh, Minh Anh cũng tỏ ra “tri âm tri kỷ” với Ninh, nhận ra anh là một chàng trai có tài và không màng gì đến những chàng trai tốt mã khác. Thế nhưng, không ít lần Minh Anh lại không dấu được lòng hâm mộ với những cầu thủ, diễn viên đẹp trai. Một lần hai người ngồi uống nước, thấy một cô bạn quen cùng với người yêu đi ngang qua. Minh Anh buột miệng “Con Thúy thiệt tốt số, có đẹp gì đâu mà vớ được một anh chàng đẹp trai ác liệt!”
Sau buổi gặp ấy Ninh không gọi điện, không hẹn gặp, Minh Anh nhắn tin, thấy số của cô là Ninh tắt máy ngay. Quen với sự chiều chuộng của Ninh lâu nay, cô càng tức giận vì sự im lặng ấy nên tìm cách gặp mặt Ninh và… bắn vào chàng trai một phát… đại bác “Đồ lùn mà lối”.
“Phát súng” ấy… kết liễu luôn cuộc tình được chăm sóc gần 2 năm nay của họ. Sau đó Minh Anh rất ân hận, còn yêu Ninh nên cô tìm cách xin lỗi nhưng đã muộn.
Trong một vụ án tình vừa qua ở TP. HCM, lẽ ra chàng sinh viên ấy vẫn giữ được mạng sống nếu đừng nói một câu quá độc ác “Gia đình tôi không đời nào chấp nhận một cô gái tàn tật như cô về làm dâu”. Dù anh đã tỏ ra yêu thương và sống chung như vợ với cô gái khuyết tật, nhưng rất giỏi giang này suốt mấy năm qua.
Hận nhau vì lời…
Có nhiều cặp vợ chồng, dù chung sống trong một mái nhà, có con cái tài sản chung, thế nhưng họ vẫn luôn hờn oán nhau, không thể hòa hợp, yêu thương nên luôn sống trong cảnh “đồng sàng dị mộng”. Chị Huyền Lan, nay đã là một người phụ nữ giàu có, cuộc sống chị không thiếu thứ gì. Thế nhưng, chị không phải là người phụ nữ hạnh phúc vì cứ thỉnh thoảng nhớ lại thời chưa làm ra tiền, người chồng luôn rêu rao với mọi người, trước mặt con cái rằng “Bà ấy mà không gặp được tui thì có nước đi bán… vé số hoặc… bán trôn nuôi miệng”. Khiến chị rất xấu hổ, tủi thân. Nay dù muốn quên nhưng nó như một khối u ác tính bám sâu vào cơ thể chị, đã lậm đến tận xương không cách nào cắt bỏ đi được.
Bạo hành bằng lời nói
Xã hội chúng ta đang ra sức chống chuyện bạo hành gia đình. Nếu như bạo hành bằng hành động như thượng cẳng chân hạ cẳng tay, dùng cây gậy roi vọt hay hung khí, thì ai cũng thấy và có thể tố cáo trước pháp luật để kẻ thủ ác bị trừng trị đích đáng. Thế nhưng bạo hành bằng lời nói, chính là cách bạo hành hung hiểm và thâm độc nhất nhằm tấn công vào tinh thần người yêu hay người bạn đời, khiến họ đau đớn, suy sụp về tinh thần.
Người vợ hay người chồng ngày nào cũng nghe những lời chê bai, mắng nhiếc, dằn vặt khiến họ hoảng loạn về tinh thần. Nhiều người rơi vào trầm cảm hoặc hóa điên. Có những người chồng mất hết nhuệ khí hoặc người vợ mất hết niềm vui sống, nhan sắc phai tàn vì cách bạo hành này.
Nhiều người nói những lời ngoa ngoắt, đau nặng với người yêu hay người bạn đời nhiều khi chỉ vô tình, hoặc để đề cao mình, khiến người kia biết khuyết điểm mà sửa chứ không hẳn muốn dứt tình. Thế nhưng, “liệu pháp” họ đưa ra quá bén nhọn khiến người kia không “khỏi bệnh” mà… tiêu luôn.
Cho nên hãy sử dụng lời nói một cách nhân hậu, tế nhị khi cần phê bình, góp ý với những người mình thương yêu, nếu không bạn sẽ mất họ vĩnh viễn và hạnh phúc của bạn cũng tan theo.
-Nguồn: TLHTY-