LaraMag - Laravel News / Magazine Multilingual System

Header
collapse
...
Home / Tâm lý học tình yêu / Các lầm tưởng “thiếu logic” khiến tình yêu tan vỡ

Các lầm tưởng “thiếu logic” khiến tình yêu tan vỡ

2018-10-21  Thu Thảo

Theo nghiên cứu, những yếu tố dưới đây sẽ khiến cho câu chuyện tình yêu của bạn “vỡ vụn”.

Cuộc sống tình yêu của mỗi người không giống nhau – có người may mắn, hạnh phúc khi được hưởng một tình yêu “vẹn toàn”, nhưng có người lại gặp nhiều trắc trở. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những lý do “không đâu” có thể phá hủy chuyện tình yêu của bạn. Cùng điểm lại một vài lý do này qua tổng hợp của chuyên trang Cracked.

  1. Luôn tìm kiếm một người “tâm đầu ý hợp”

Nếu thời xưa, ông cha ta kén rể dựa vào sức vóc, còn phụ nữ thì mong có được người chồng “hiền lành, tốt tính, chịu khó”, thì nay, tất cả đều có xu hướng tìm bạn đời “tâm đầu ý hợp”. Điều này thoạt nghe có vẻ rất lãng mạn và hợp thời, nhưng trên thực tế, nỗ lực tìm kiếm “mảnh ghép lý tưởng” có thể đem lại nhiều điều thất vọng.

Theo kết quả một cuộc điều tra gần đây tại Mỹ, 73% số người độc thân ở độ tuổi 20 tin rằng có thể tìm được một người “tâm đầu ý hợp” với mình. Bởi vậy, họ luôn đề cao yếu tố này, hơn cả các yếu tố làm nên một mối quan hệ như kết nối cảm xúc, tài chính đảm bảo, thậm chí cả vấn đề về đạo đức. Ngoài ra, 63% đàn ông cho biết, họ tin “mảnh ghép hoàn hảo” vẫn đang ở đâu đó ngoài kia và đang chờ đợi họ.

Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ “đời không đẹp như mơ”, không có mối quan hệ nào là hoàn hảo. Khi hai người tỏ ra “tâm đầu ý hợp”, cặp đôi có thể ngay lập tức trở nên “cuồng nhiệt” và khó tách rời, nhưng về lâu dài sẽ có vấn đề, thường là chuyện “giữ lửa”, từ đó nảy sinh nhiều trục trặc. Lúc này một trong hai có thể băn khoăn “Nếu đây là nửa kia hoàn hảo thì hẳn giữa hai người sẽ không bao giờ có chuyện gì xảy ra?”.

Theo thống kê, những cặp đôi kết hôn dựa vào sự “tâm đầu ý hợp” có tỷ lệ ly dị cao hơn hẳn so với thông thường. Các chuyên gia tâm lý cho biết, chính suy nghĩ rằng mình sẽ “nhận ra” người ấy khi họ xuất hiện, hoặc tư tưởng tìm kiếm “một nửa hoàn hảo” sẽ khiến họ giảm đi động lực để tiếp tục xây dựng mối quan hệ.

Để rồi suy nghĩ đấy lại khiến những mâu thuẫn trở nên khó xóa bỏ. Vậy nên lời khuyên là đừng quá kỳ vọng vào “nửa kia” của mình, đồng thời hãy biết tôn trọng và chấp nhận những khuyết điểm của nhau.

  1. Tham gia hẹn hò trên mạng

Một thập kỷ trước, hầu hết mọi người đều nghĩ việc “hẹn hò” qua các trang website kết bạn chỉ dành cho những người kém giao tiếp, không đủ khả năng tìm kiếm mối quan hệ bên ngoài.

Nhưng suy nghĩ này giờ đây đã biến mất. Một thống kê gần đây đã cho thấy những con số rất ấn tượng: cứ năm mối quan hệ thì có một bắt nguồn từ “hẹn hò online”, và 1/3 số các cuộc hôn nhân đến từ sự làm quen, kết bạn trên website, mạng xã hội.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu hẹn hò trên mạng có hiệu quả đặc biệt đến vậy thì con số mối quan hệ bắt nguồn từ internet phải là 75% chứ không phải 20% như hiện nay. Họ cho biết, điều khiến “hò hẹn online” trở nên kém hiệu quả chính là ở “số lượng”. Việc có quá nhiều lựa chọn khiến bạn khó mà tìm ra được “nửa kia” phù hợp.

Một ứng viên phù hợp xuất hiện nhưng có thể vì khác biệt tôn giáo, hoặc người đó đã có con cái nên bạn sẽ bỏ qua. Ngoài ra, các website kết bạn đều dựa trên “hồ sơ” (profiles) và thực tế đây có thể coi là “điểm mù”, khi hầu hết mọi người đều nói dối, hoặc đưa thông tin sai lệch về bản thân. Ngay cả ảnh đại diện (profiles picture) – thứ gây ấn tượng ban đầu, nhưng cũng có thể là thứ không đáng tin nhất.

Sau cùng, các chuyên gia đều khuyên rằng, bạn có thể may mắn tìm được người phù hợp nhưng nếu không thành công thì đừng “quá cố”, hãy tắt máy tính và đi ra ngoài xây dựng những mối quan hệ thực tế hơn.

  1. Lọt vào “vùng bạn bè” – friendzone

Friendzone có thể coi là thuật ngữ mà tất cả những anh chàng “FA” đều ghét cay ghét đắng. Thuật ngữ này ám chỉ hiện tượng xảy ra khi bạn tiến hành “thú nhận” với đối tượng và nhận được câu trả lời: “Xin lỗi, mình chỉ là bạn”. Khi đó, xin chúc mừng – bạn đã lọt vào friendzone.

Đã có rất nhiều nghiên cứu về việc các chàng trai cảm thấy “bế tắc” khi đang ở trong mối quan hệ kiểu như “không được yêu nhưng vẫn quan tâm, tôn trọng nhau dựa trên quan điểm tình bạn”- friendzone, trong khi “đối tượng” thì quá vô tâm.

Theo một nghiên cứu về vấn đề “tình bạn khác giới”, hầu hết các ứng viên nữ cho biết “bạn là bạn” và họ nghĩ các chàng trai cũng thấy vậy. Nhóm nam thì cho rằng, họ muốn tiến xa hơn, trở thành người quan trọng và những cảm xúc của họ cần được đáp lại.

Nếu thích một người, bạn hãy lựa chọn thời điểm thích hợp và thú nhận điều đó. Nhưng nếu cảm thấy quá vô vọng thì nên ngừng lại, vì dù sao đi nữa, khi bạn tìm được “nửa kia” thì những mối quan hệ kiểu friendzone sẽ trôi vào dĩ vãng, vì người ấy không thích đâu.

  1. Tình đầu là tuyệt vời

Những mối tình đầu tươi đẹp và tuyệt vời khi tan vỡ có thể kéo theo một số hệ quả không mong muốn về sau. Lý do là bởi hầu hết những gì bạn trải qua trong quá khứ sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ mới.

Thông thường, chúng ta có “tình đầu” khi còn khá trẻ. Lúc đó, ta yêu vô tư bởi không có những ràng buộc cùng trách nhiệm, áp lực như khi trưởng thành nên tình đầu thường rất đẹp.

Không những thế, con người ta có xu hướng “hoài niệm” nên họ thường mong đợi các mối quan hệ sau này sẽ tuyệt vời như thế. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Những ý tưởng về mối quan hệ chỉ dựa trên cảm xúc, nó sẽ mất dần theo thời gian do tác động của dòng đời.

Theo các nhà nghiên cứu, việc sử dụng khuôn mẫu “tình đầu hoàn hảo” nhằm kiếm tìm và xây dựng mối quan hệ trong tương lai có thể khiến bạn không thể hạnh phúc. Các chuyên gia cũng khuyên rằng, những gì đã thuộc về quá khứ thì chỉ nên nhớ đến như những kỷ niệm đẹp mà thôi.

  1. Quá tin vào tình yêu trong phim ảnh

Những nghiên cứu và khảo sát gần đây cho thấy, những bộ phim truyền hình dù lãng mạn hay không cũng có thể gây ảnh hưởng xấu cho các mối quan hệ thông thường.

Xem một chút phim lãng mạn và học theo nó là điều cần thiết cho các tình yêu chớm nở, lúc tình yêu nồng nhiệt và khao khát nhất. Tuy nhiên về lâu về dài, việc phải “tỏ ra lãng mạn” thực sự là một cực hình đối với các quý ông và điều này có thể khiến người trong cuộc cảm thấy không hài lòng, dễ xảy ra mâu thuẫn.

Không chỉ vậy, các bộ phim thường xây dựng cuộc sống gia đình tưởng như bình thường nhưng lại khác xa với thực tế – một người chồng thô kệch, xấu xí có phần nhạt nhẽo lại kiếm được cô vợ siêu mẫu… Và điều này sẽ gây nên một ảo tưởng “không hề nhẹ” rằng mình cũng có thể giống như thế…

Theo một số nghiên cứu, việc theo dõi nhiều câu chuyện phim lãng mạn sẽ làm tăng khả năng muốn kiếm tìm một cuộc sống “như phim”. Điều này khiến bản thân không còn muốn cải thiện mối quan hệ đang có, đồng thời sẽ có xu hướng từ bỏ “nửa kia” để đi tìm người hấp dẫn hơn. Xem phim không xấu, chỉ cần nhớ rằng xem phim chỉ để giải trí và phim cũng chỉ là sản phẩm do trí tưởng tượng của con người tạo nên mà thôi.

-Nguồn: Kenh14.vn-

 

Các lầm tưởng “thiếu logic” khiến tình yêu tan vỡ


2018-10-21  Thu Thảo