Đã bao giờ bạn cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến việc phải yêu thương và cam kết với một ai đó chưa? Không đọc được suy nghĩ hay kiểm soát được người mình yêu khiến cho bạn sợ hãi? Hay trong quá khứ, đã có ai mang đến cho bạn một vết thương quá lớn nên bạn tránh xa tình yêu vì sợ sẽ tổn thương lần nữa?
Nếu câu trả lời là “Có”! cho những câu hỏi trên, thì rất có thể bạn đang mắc phải hội chứng Philophobia đấy!
Những kẻ sợ yêu
Philophobia là tên gọi của hội chứng sợ yêu thương (“philo” trong tiếng Hi Lạp nghĩa là yêu, yêu thương). Cụ thể hơn, những người mắc hội chứng này có xu hướng xem tình yêu là một điều vô cùng đáng sợ. Họ sợ bị lừa dối trong tình yêu, sợ mất thời gian dành cho công việc, sợ tổn thương, sợ “chia tay” (?), và còn rất nhiều nỗi sợ không tên khác nữa. Với họ, thì yêu còn đáng sợ hơn chết.
T.L là một điển hình. Có lẽ L. không biết yêu thật. L. rất thuộc bài làm thế nào để một người đàn ông phải lòng bạn, lúc mới gặp, cô tỏ ra rất tự tin, hấp dẫn, đáng yêu, nhưng một khi rơi vào tình yêu là cô nàng cứng người lại, chắng biết làm thế nào cho nó sống. L. cũng giống như đa số những cô nàng mắc hội chứng Philophobia, thích mơ mộng về một tình yêu lớn, tình yêu vĩ đại, tình yêu vượt qua tất cả, nhưng khi nó xảy ra với họ thì họ không biết làm thế nào.
Nhưng câu chuyện của L. có lẽ chỉ là ở mức độ nhẹ.
Chắc hẳn bạn còn nhớ cảnh Emma Pillsbury, một nhân viên tư vấn trường học đã hoảng sợ và chạy khỏi đám cưới như trong mơ của mình với Will Schuester, một giáo viên câu lạc bộ của trường trung học trong bộ phim truyền hình đình đám “Glee”. Nhân vật Emma bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế và một vài ám ảnh khác.Và trong số đó chắc chắn có Philophobia. Cô nàng có một số dấu hiệu điển hình của hội chứng Philophobia là nỗi sợ hãi tình yêu hay sự thân mật. Philophobics (những người mắc hội chứng philophobia) sẽ có một khoảng thời gian hạnh phúc tạm thời khi mới yêu và thường sẽ có những suy nghĩ lạc quan, tích cực về tình yêu và mối quan hệ của mình. Nhưng niềm vui và niềm hạnh phúc khi yêu của họ nhanh chóng biến mất và nhường chỗ cho những nỗi sợ hãi vô lý, cảm xúc không ổn định và rất dễ bị tổn thương. Trong đầu họ luôn có một suy nghĩ, một thứ báo hiệu rằng có cái gì đó không ổn trong mối quan hệ này, có cái gì đó đã sai trong chuyện tình này. Thậm chí, hội chứng Philophobia không chỉ ảnh hưởng về mặt tâm lí mà còn tác động về mặt sinh lí, như việc cô nàng Emma thường xuyên khó thở, đổ mồ hôi, run rẩy, khóc lóc, hay lên cơn hoảng loạn và có một sự thôi thúc phải chạy trốn. Và đó cũng là lí do giải thích tại sao cô nàng lại bỏ chạy trong dream wedding của mình.
Kỹ năng đối diện với yêu thương
Hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều phương pháp được đưa ra để đối phó với hội chứng Philophobia như điều trị bằng thuốc, thôi miên hay cho tới những lệu pháp tác động trực tiếp lên hệ thần kinh để điều chỉnh hành vi nhận thức,… Tuy nhiên, bạn có thể làm theo những tips nhỏ sau đây để can đảm hơn với tình yêu của mình.
1. Đối mặt với nỗi sợ hãi của bạn
Bạn sẽ không bao giờ có thể vượt qua nó nếu không dám đối mặt với nó. Nào, bây giờ hãy xác định rõ xem tại sao bạn lại có nỗi sợ hãi vô lí đó. Có phải do trong quá khứ đã ai đó khiến bạn tổn thương đến mức bạn không còn tin vào tình yêu nữa, hay sâu thẳm bên trong, bạn tự ti về bản thân mình, không nghĩ rằng mình xứng đáng yêu và được yêu? Hãy đặt ra càng nhiều câu hỏi càng tốt, nó giúp bạn hiểu thêm về nỗi sợ hãi của mình cũng như cách chữa trị nó.
2. Từ từ thôi nào!
Đúng là bạn sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy pháo hoa hay cảm thấy tình yêu sét đánh ngay từ cái nhìn đầu tiên đâu. Tuy nhiên, đây lại là một điều tốt vì không nên quá vội vàng trong tình yêu. Nếu bạn sợ yêu thì hãy cứ làm bạn với nhau trước đi, dành thời gian tìm hiểu, trò chuyện với nhau. Nó sẽ giúp cho bạn có cái nhìn trọn vẹn hơn về tình yêu của mình và cũng giúp cho mối quan hệ của hai bạn lâu dài hơn.
3. Đừng mãi sống trong quá khứ
Khi bạn bắt đầu cảm thấy yêu một người thì hồn ma đau khổ của quá khứ lại hiện lên và dìm chết tình yêu vừa mới chớm ấy. Thứ gì đã thuộc về quá khứ thì bạn tốt nhất nên quên nó đi, đừng đem nó ra và tự dằn vặt mình nữa. Bạn hãy tự nhắc nhở bản thân mình rằng “Đây là một câu chuyện khác, một người khác, một chương khác trong cuộc sống. Mình xứng đáng với một người yêu thương mình và mình sẽ hạnh phúc”. Lẩm nhẩm câu nói này như một câu thần chú để xua đi hồn ma trong quá khứ và tin tưởng vào khởi đầu mới này của bạn.
4. Đừng nghĩ nữa, hãy yêu đi!
Dù bạn có chạy trốn cỡ nào hay có đưa ra một trăm, một ngàn lí do để không yêu nhưng bạn không thể phủ nhận sự thật rằng yêu và được yêu là thứ hạnh phúc nhất và nó thật sự rất tuyệt, đúng không? Vậy thì còn chần chừ gì nữa mà không tận hưởng nó đi. Tất nhiên tôi biết là sẽ rất khó khăn với bạn, nhưng ít nhất thì cũng hãy thử liều với tình yêu này một lần xem nào. Có thể sau đó bạn sẽ có một happy ending như trong mơ của mình, cũng có thể bạn sẽ đau tan nát vì tình yêu đó. Nhưng đã sao, kể cả như vậy, dù có chuyện gì khủng khiếp xảy ra, thì ít nhất bạn cũng có thể nói với bản thân mình “Mình đã thử, và thất bại” chứ không phải là “Giá như mình…”.
Chúc bạn có đủ can đảm để lại nỗi sợ hãi phía sau và sống hạnh phúc!
___________
Theo 2!Magazine