Về một vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Chắc hẳn khi vừa đọc tiêu đề bài viết, có thể bạn sẽ ngay lập tức phản đối trong đầu nếu bạn là người có quan điểm phản đối, hoặc bạn sẽ thuộc nhóm tò mò, hoặc giả, bạn sẽ đi tìm một người ủng hộ quan điểm của mình – khi mà ngoài kia, đa phần nếu bạn nói lên quan điểm này, bạn sẽ bị phản đối.
Nếu bạn vào google và search từ khóa “Sống thử”, bạn sẽ thấy có khoảng 5,430,000 kết quả ngay lập tức. Thế nhưng nếu dành chút thời gian đọc một chút các bài viết, thì bạn sẽ thấy như sau: gần như là tất cả đều đưa ra quan điểm phản đối việc sống thử, có rất ít bài viết ủng hộ việc sống thử. Rõ ràng, một việc gì đó sẽ luôn luôn có hai mặt của nó, một người trẻ toàn diện phải là người luyện tập lối tư duy Critical Thinking, tức nhìn nhận sự việc đa chiều, tránh đưa ra quan điểm hoặc kết luận một điều gì đó chỉ vì cảm xúc, chỉ vì quan điểm cá nhân, chỉ vì định kiến xã hội.
Chính vì thế, bài này Edward cố tình để tiêu đề là “Vì sao nên sống thử?”, chỉ đơn giản là đưa ra những phản biện cho các quan điểm có phần hơi chủ quan về việc phản đối sống thử, cũng như đưa ra góc nhìn khác. Còn kết luận như nào, là quan điểm của bạn đọc. SỐNG THỬ LÀ GÌ? Đây là một hiện tượng, xảy ra nhiều ở giới trẻ ngày nay. Hiểu đơn giản là nam nữ dọn về ở cùng nhau, “góp gạo thổi cơm chung”, “khép đôi mi chung một giường, thức giấc chung một giờ”. Có nhiều nguyên nhân khác nhau và có nhiều vấn đề khác nhau, nhưng có mấy vấn đề nổi cộm mà nhiều người thường bàn luận, xin phân tích ở dưới:
1. Vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân
Có nhiều quan điểm nói rằng khi sống thử, thì hay diễn ra vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân.Các quan điểm phản đối sẽ đưa ra các lập luận, đại loại như “Nó không phù hợp thuần phong mỹ tục”; “Người phụ nữ và câu chuyện về hai chữ trinh tiết”; “Tỉ lệ nạo phá thai”; “Ảnh hưởng về tâm lý và tinh thần”… Ở đây, Edward không tranh luận về những quan điểm đó, chỉ đưa ra góc nhìn như sau: con người ta có một quyền tuyệt đối, đó là quyền lựa chọn.
Có những việc xảy ra là do lựa chọn của bản thân chúng ta, nhưng có những việc, xảy ra hay không xảy ra phụ thuộc vào lựa chọn của nhiều người. Chẳng hạn bầu cử tổng thống Mỹ, việc Donald Trump hay Hillary trở thành tổng thống không thể nào do lựa chọn của một người, mà phải là do kết quả của lựa chọn của đám đông người. Tương tự như vậy, trong một mối quan hệ, việc chúng ta làm gì nhau, và để người khác làm gì cùng chúng ta, là lựa chọn của hai người. Nếu nói vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân, thì nó là kết quả từ sự lựa chọn của hai người, chứ không thể nào vội kết luận rằng “người con gái bị thiệt thòi”. Nếu bạn nữ, hoặc bạn nam trong lúc đang tìm hiểu nhau và trong tình yêu, không đồng ý chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân thì làm sao người kia có thể tiến hành được. Cho nên, nếu có bất kì hành động nào của chung, thì nó là trách nhiệm và là lựa chọn của hai người. Nếu bạn đồng ý chuyện gì đó nghĩa là bạn đã lựa chọn nó, và đương nhiên khi xảy ra chuyện gì thì bạn phải chịu trách nhiệm cho điều đó. Nếu đã làm điều gì đó, thì phải nghĩ trước những kết quả hoặc hậu quả có thể xảy ra, chứ đừng phó mặc bản thân vào lựa chọn của một ai đó.
2. Vấn đề sống thử có làm nên tình yêu?
Ở chủ điểm này, nhiều quan điểm đưa ra chẳng hạn như: ở với nhau thì thấy thói hư tật xấu của nhau, rồi tình cảm phai dần, rồi người yêu chán mình, mất tự do,… dẫn đến đa phần chia tay. Hoặc những cặp đôi sống thử và sau này dẫn đến hôn nhân thì tỉ lệ li hôn cao hơn so với các cặp đôi quyết định đến hôn nhân rồi mới sống với nhau. Rõ ràng, quan điểm này có nhiều điều phiến diện. Là ở chỗ, đây là kết quả, chứ không phải do nguyên nhân bắt nguồn từ sống thử. Kết quả có thể là CHIA TAY nhưng nguyên nhân thì có nhiều nguyên nhân khác nhau, nếu nói là do sống thử, thì đây là một sự quy chụp. Là bởi vì, khi còn trẻ, kinh nghiệm là thứ mà nhiều bạn sinh viên hoặc mới đi làm thường thiếu. Nếu là sinh viên, đa phần mới bắt đầu một bước ngoặt cuộc sống khi tự lập, ra ở riêng. Bao nhiêu năm qua ở cùng bố mẹ, bây giờ ra ở riêng, khả năng tự chăm sóc bản thân không thể chỉn chu, không thể tốt trong một sớm một chiều. Lo cho mình còn chưa tốt, huống gì khi lo cho người khác nữa. Cho nên, nếu khi ở cùng nhau, xung đột nảy sinh, khó khăn nảy sinh là điều tất yếu. Tiếp theo, “cả thèm chóng chán” – điều đó là điều không chỉ cặp đôi sống thử mà ngay cả vợ chồng cũng thế. Rượu nhạt uống mãi còn say, lời hay nói mãi thì nhàm. Món ăn ngon, nó ngon là bởi vì thi thoảng mới được ăn, chứ lúc no rồi, hoặc giả ngày nào cũng ăn, không chán sao được. Thà sống thử mà không dẫn đến tình yêu còn hơn là cưới rồi nhưng không hiểu nhau dẫn đến chấp nhận cả đời ràng buộc bên cạnh một người mình không thực sự yêu thật lòng.
3. Càng cấm càng tò mò
Nếu nói giải pháp để ngăn chặn sống thử là nhà trường, bố mẹ phải ngăn cấm, kiểm soát giới trẻ, thì đó là một nhận định hơi phiến diện và có thể kết quả không tốt. Người ta đã từng làm một thí nghiệm vật lý nổi tiếng: cho một nam và một nữ ở hai đầu sợi dây co, và kéo căng nó ra. Kết quả, kéo càng căng ra xa thì lực bật lại càng lớn. Càng cấm thì người ta càng tò mò khi giới trẻ thích tìm đến những gì bị cấm đoán. Chúng ta ở trong một nền văn hóa có những ảnh hưởng bởi việc bố mẹ quá quen lựa chọn cho con cái. Ngay từ nhỏ, chọn cho nó đồ ăn, đồ mặc, lớn lên chọn trường, ra trường chọn việc cho con, rồi thậm chí chọn cả vợ cả chồng. Nhưng cuộc đời của ai, người đó sống. Người đi trước là người dẫn đường, chỉ ra con đường nào đẹp, con đường nào hiểm nguy chứ không thể đi hộ được cho người đi sau. Cấm đoán một điều gì đó, chẳng hạn cấm sống thử, cũng vậy. Có chăng, điều cần làm là gì? Là thẳng thắn, bình tĩnh, không dùng cảm xúc. Ngồi chỉ ra cho nhau, phân tích cho nhau được và mất của từng lựa chọn. Rồi chọn như nào, là chuyện của giới trẻ. Lớn rồi, chọn sao thì phải tự chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình. Có nhiều thứ, nói có thể không nghe, nhưng khi trải nghiệm rồi, bài học sẽ đắt giá.
4. Cái giá của SỐNG THỬ
Cho dù là bạn sống thử với một mối quan hệ trước hôn nhân mà thiếu kinh nghiệm hay sau này tiến tới hôn nhân rồi mà chưa bao giờ sống thật cuộc đời của mình, thì cái giá phải trả đều đắt. Đó là gì?
– Khi bạn chọn sai người, cái giá phải trả luôn đắt. Yêu, hay chọn bạn, hay chọn vợ chồng, nếu chọn lầm người – một người đối xử tệ bạc với bạn, một người lăng nhăng, một người không tôn trọng bạn, thì bạn đều mất đi một cuộc đời hạnh phúc. Thà ở một mình mà hạnh phúc còn hơn là có người yêu nhưng người đó làm bản thân ta đau khổ.
– Cái gì càng khó đạt được, con người ta càng trân trọng Tình yêu cũng như vậy. Nếu đến với nhau quá dễ dàng, nếu quá dễ dãi với nhau thì con người ta lại càng dễ dàng không nâng niu trân trọng nó. Tình yêu phải cần qua nhiều thử thách để con người ta trở nên gắn bó hơn.
– Nếu biết nói KHÔNG, bạn sẽ CÓ được nhiều thứ Đôi khi, có những việc nếu bạn học cách nói không hoặc dứt khoát nói không, có thể nó sẽ giúp bạn tránh khỏi nhiều thứ, và có thể giúp bạn đạt được nhiều thứ. Con người ta đôi khi dễ dàng nói CÓ bởi cảm xúc chi phối. Thế nhưng, cảm xúc lại là kẻ thù của thành công.
-Nguồn: Tâm lý học ứng dụng-