LaraMag - Laravel News / Magazine Multilingual System

Header
collapse
...
Home / Tâm lý học tình yêu / Những kiểu tính cách không tốt cho tình yêu

Những kiểu tính cách không tốt cho tình yêu

2018-10-21  Thu Thảo

Có một số kiểu người khó có thể xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp trong tình yêu vì họ có những kiểu tính cách khiến người khác không muốn kéo dài mối quan hệ.

Hãy cùng Học Viện Tâm Lý Học Tình Yêu kiểm tra xem mình có thuộc những kiểu tính cách sau đây không nhé.

Dạng thứ nhất: Những người hay lo âu trong tình yêu

Dưới đây là những biểu hiện của nhóm người này:

  • Tôi luôn cảm thấy lo lắng về người yêu của mình, tôi cảm giác người ấy không yêu tôi nhiều như tôi yêu người  ấy.
  • Tôi muốn gặp người ấy 24/7
  • Tôi luôn cần sự đảm bảo từ người ấy, tôi muốn người ấy nhắc đi nhắc lại rằng người ấy yêu tôi, nếu không thì tôi sẽ không yên tâm.
  • Chỉ cần người ấy không trả lời điện thoại hay tin nhắn kịp thời cũng khiến tôi đứng ngồi không yên, trong đầu hiện lên bao nhiêu câu hỏi rằng người ấy đi đâu, làm gì, với ai.
  • Tôi cảm thấy vô cùng lo lắng nếu có 1 người khác giới nào đó tìm cách tiếp cận người yêu của tôi.
  • Đôi lúc tôi không cảm thấy chắc chắn về tình yêu của người ấy dành cho tôi, và thường phải hỏi ý kiến của mọi người xung quanh về chuyện tình cảm của mình.
  • Tôi thường xuyên cảm thấy hoang mang, thất vọng, suy sụp trong tình yêu.

Những người có các dấu hiệu kể trên thường khó xây dựng được mối quan hệ bền vững lâu dài, vì đối phương cảm thấy họ quá phiền phức. Những đòi hỏi, yêu sách của họ khiến đối phương mệt mỏi. Họ không biết cách cân bằng cảm xúc của bản thân để mang lại sự thoải mái, bình yên cho người mình yêu mà thay vào đó, họ đem đến sự ức chế và chán nản.

Dạng thứ 2: Những người né tránh trong tình yêu

Nhóm này có những biểu hiện như sau:

  • Dù yêu nhưng tôi không muốn ràng buộc quá nhiều vào người yêu. Tôi luôn chuẩn bị sẵn một đường rút cho mình nếu như mối quan hệ này không thành.
  • Tôi không thích chia sẻ quá nhiều về mình, tôi cho rằng điều đó không cần thiết, mỗi người cần phải có một thế giới riêng.
  • Tôi thường tự hỏi lựa chọn của mình là đúng hay sai.
  • Tôi có những bí mật của riêng mình và tôi không bao giờ tiết lộ cho người yêu.
  • Khi người ấy bày tỏ ý muốn hiểu sâu hơn về tôi, tôi thường tìm cách lảng tránh và đẩy họ ra xa.

Nhóm né tránh cũng sẽ không kéo dài mối quan hệ được lâu, bởi lẽ họ tạo ra cảm giác xa cách, có cái gì đó không thật lòng, không hết mình trong mối quan hệ, khiến đối phương không tin tưởng và không muốn gắn bó với một người như họ. Thường thì trong giai đoạn đầu mới quen, nét tính cách này của họ là 1 điểm thu hút, tuy nhiên sau 1 thời gian quen nhau, khoảng cách mà họ tạo ra sẽ khiến đối phương mệt mỏi và muốn đi tìm một tình cảm khác nồng nhiệt hơn.

Dạng thứ 3: Những người vừa lo âu vừa né tránh

Dưới đây là những biểu hiện của nhóm này.

  • Tôi luôn lo sợ người ấy sẽ rời bỏ mình, nhưng cũng không muốn người ấy bước quá sâu vào thế giới của tôi.
  • Khi người ta càng tìm cách gần gũi với tôi, tôi lại càng đẩy người ta ra xa. Nhưng khi người ấy đi xa, tôi thấy buồn vô cùng.
  • Tôi luôn đặt ra rất nhiều thử thách khó khăn cho người mình yêu, và rồi khi họ không vượt qua được thì tôi thấy buồn và tự trách mình.
  • Bên ngoài tôi tỏ vẻ không cần đối phương, nhưng bên trong tôi rất cần, vì vậy mà người ta thường hiểu lầm tôi.

Tình yêu đối với nhóm người này cũng sẽ nhanh chóng kết thúc vì đối phương cảm thấy họ quá thất thường, không thành thật trong mối quan hệ. Tính cách sáng nắng chiều mưa của họ mang đến cảm giác bất ổn. Khi ở bên họ, đối phương luôn có cảm giác đề phòng, không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đối phương mệt mỏi khi phải trông chừng sắc mặt, phản ứng của những người thuộc nhóm này, vì vậy việc chia tay không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra.

Nếu bạn thuộc 1 trong 3 nhóm trên, có lẽ bạn sẽ rất muốn biết vì sao mình lại trở thành một người như vậy.

Các chuyên gia của Học Viện Tâm Lý Học Tình Yêu phân tích nguyên nhân dẫn đến 3 nhóm tính cách trên như sau:

1. Vì sao Người Lo Âu lại quá lo âu?

  • Nguyên nhân khách quan: Họ có một tuổi thơ không hạnh phúc, không nhận được tình yêu thương, hoặc có một quá khứ chịu nhiều tổn thương, sự phản bội trong tình yêu.
  • Nguyên nhân chủ quan: Họ có cách nhìn nhận tiêu cực về bản thân mình, nhưng lại nhìn nhận tích cực về người khác. Họ thiếu tự tin về bản thân, cho rằng mình còn quá nhiều thiếu sót, nhạt nhòa. Họ thường so sánh bản thân mình với người khác và cảm thấy mình thua kém, không có gì nổi bật, trong khi người yêu của họ lại có quá nhiều ưu điểm. Điều đó làm cho họ cảm thấy mình có thể bị bỏ rơi bất cứ lúc nào và sinh ra tâm lý lo âu.

2. Vì sao Người Né Tránh lại quá né tránh?

  • Nguyên nhân khách quan: Họ được dạy dỗ quá nghiêm khắc, hoặc sống tự tập từ bé, không nhận được nhiều lời nói, cử chỉ yêu thương quan tâm từ người thân và gia đình nên cảm thấy xa lạ với việc yêu thương một người khác.
  • Nguyên nhân chủ quan: Họ có cách nhìn nhận tích cực về bản thân mình, nhưng lại nhìn nhận tiêu cực về người khác. Họ cho rằng bản thân mình rất hay ho, rất tốt và người khác khó lòng theo kịp họ.  Họ nghĩ rằng không có ai là đủ trình độ và xứng đáng để họ trút bầu tâm sự, dốc cạn nỗi lòng, kể cả người họ đang yêu. Họ cho rằng bộc lộ quá nhiều về mình cho người khác biết, hoặc sử dụng quá nhiều lời nói, cử chỉ yêu thương là một biểu hiện của con người yếu đuối.

3. Vì sao có những người Vừa Lo Âu Lại Vừa Né Tránh?

  • Nguyên nhân khách quan: Họ có một quá khứ bị bạo hành, hoặc không được quan tâm những nhu cầu vật chất lẫn tinh thần; mỗi khi họ cần sự yêu thương, quan tâm thì đều bị phớt lờ.
  • Nguyên nhân chủ quan: Họ có cách nhìn nhận tiêu cực về bản thân mình, và cũng nhìn nhận tiêu cực về người khác. Họ biết rằng họ rất cần tình yêu thương nhưng lại cảm thấy xấu hổ vì nhu cầu này của mình. Họ biết rằng một khi yêu, họ sẽ dốc cạn con tim và điều đó là nguy hiểm cho họ vì người khác có thể làm họ tổn thương. Họ rất muốn trao đi, nhưng lại sợ sẽ không nhận được gì. Họ muốn tìm một người an toàn để dựa dẫm vào nhưng bản thân họ lại là một người thiếu an toàn.

Vậy, kiểu người nào sẽ hạnh phúc trong tình yêu?

Đó là Người An Toàn. Dưới đây là những điều mà họ tự phát biểu về mình:

  • Tôi thoải mái bộc lộ tình cảm với người yêu mà không lo sợ bị người ấy nắm được điểm yếu.
  • Tôi thoải mái đón nhận tình cảm của người yêu mà không thắc mắc hay đòi hỏi gì thêm.
  • Tuy nhiên tôi vẫn vạch ra ranh giới rõ ràng trong mối quan hệ. 
  • Tôi có thể sắp xếp hợp lý thời gian dành cho người yêu và cho những việc khác.
  • Tôi không ngại ở một mình.
  • Tôi biết rằng mình xứng đáng được yêu, và người tôi yêu cũng thế.
  • Tôi biết rằng mình có những khuyết điểm, nhưng không bao giờ tự ti về những điều đó.

Không quá 50% dân số thế giới thuộc kiểu Người An Toàn theo nghiên cứu của 2 nhà tâm lý học  Bowlby và Ainsworth. Như vậy là có 50% những người đang yêu sẽ đối diện với nguy cơ tan vỡ nếu 1 trong 2 thuộc vào 3 nhóm người: Lo âu, Né tránh, Vừa lo âu vừa né tránh.

Những kiểu tính cách không tốt cho tình yêu

Những kiểu tính cách không tốt cho tình yêu


2018-10-21  Thu Thảo