LaraMag - Laravel News / Magazine Multilingual System

Header
collapse
...
Home / Tâm lý học tình yêu / Sidebar

Sidebar

2018-10-21  Thu Thảo

Bao giờ thì có cháu cho tao bế? Bao giờ thì cho bác ăn kẹo? Bao giờ thì cưới cháu? … Một vấn đề nhưng hai luồng tư tưởng: giữa lớp trẻ và phụ huynh. Trào lưu 1001 câu đối thoại ra đời, nhưng dường như vấn đề chưa giải quyết được triệt để. Đôi khi, căng thẳng còn lên cao trào. 9x ở Trung Quốc xuất hiện hẳn một trào lưu cực đoan – rằng thuê người yêu giả, thậm chí lên tới 6000 NDT (Gần 900$) cho một cô gái để ăn một bữa tối cùng gia đình.

QUAN ĐIỂM CỦA PHỤ HUYNH

Vì sao phần đông phụ huynh hay muốn nhắc con cái chuyện kết hôn?

Thứ nhất, là do truyền thống. Khi phần lớn lứa tuổi trẻ đủ điều kiện kết hôn bây giờ đang nằm ở 9x thì phụ huynh đa phần là 6x và 7x – đó là thời điểm mà ngày xưa hệ chương trình giáo dục khác, tư tưởng khác, phần nhiều khi đến tầm mười tám đôi mươi là con gái đã cưới chồng, trai đã lấy vợ. Rõ ràng, về mặt tâm lý con người ta thường chấp nhận những gì mình đã làm – và đôi khi sẽ thường cho rằng những gì mình làm đó là chuẩn mực. Cho nên, không khó để bắt gặp câu nói “Tao còn đẻ ra được mày mà tao không biết cái này à?” – dẫn đến chuyện phụ huynh tin và chấp nhận quan điểm của mình.

Thứ hai, cũng từ truyền thống ấy, đến cái tuổi 50 – 60; khi sang ngưỡng tuổi mà sức khỏe đã yếu hơn, cũng chứng kiến những người đương thời mình có người bệnh tật, có người ốm đau, có người sức khỏe sa sút, và cũng đã chứng kiến nhiều người nay chỉ còn người xưa. Vô tình, cũng là một tâm lý về nỗi sợ rằng mình tuổi cao sức yếu, cho nên cũng mong muốn rằng con cái nó chóng lập gia đình, mình còn khỏe, còn tranh thủ mà chăm sóc con cái chúng nó, chứ sau này già yếu thì chăm sao được.

Thứ ba, cũng ở cái ngưỡng tuổi ấy, gần như đi cả cuộc đời rồi, có những người chuẩn bị bước sang tuổi hưu trí, cuộc đời coi như phần nào đó đã viên mãn, bây giờ chỉ còn tập trung vào con cái. Khi tập trung vào cái gì, người ta sẽ có xu hướng nghĩ về nó nhiều, nghĩ nhiều, tính toán nhiều, phương án nọ, kế hoạch kia, thảo luận nhiều thì thành ra tâm lý ưu tiên nó nhiều hơn, dẫn đến việc hễ có cơ hội gặp là phải đưa vấn đề này ra, và theo kiểu nó là vấn đề cực kì quan trọng.

Thứ tư, tâm lý lo cho con cái. Với con gái, thì sợ quá tuổi là nó ế, với con trai – khi nó chưa có vợ thì sợ nó lông bông, thiếu chín chắn. Mà con mình, mình sinh ra, mình bao công sức bao hy sinh nuôi nấng chăm sóc, lẽ nào bây giờ không có trách nhiệm lo cho con. Lập gia đình, là khi con người ta chững chạc hơn, vậy thì học hành xong xuôi, cũng là lúc phải tính toán cho nó chuyện lập gia đình, để nó trưởng thành, nó sống trách nhiệm.

QUAN ĐIỂM CỦA GIỚI TRẺ

Đối lập với phụ huynh, giới trẻ càng ngày càng tiếp xúc với tư tưởng phương Tây nhiều, và cũng có những suy nghĩ khác về chuyện kết hôn. Chưa kể, tầng lớp giới trẻ bây giờ trong thời buổi thế giới mở rộng kết nối, dẫn đến cũng nhiều tư duy khác nhau, thành ra quan niệm cưới sớm hay cưới muộn cũng khác nhau, nên tâm lý cũng khó nắm bắt, tuy nhiên có thể nhắc đến những thực trạng như sau: Thích sống độc thân: Đây cũng là một trường phái. Sống độc thân tự mình nuôi mình, về cơ bản là tự do, không bị ràng buộc, không bị phụ thuộc, có thể sống với thoải mái và sở thích của chính mình, không phải lo lắng chuyện gì. Kết hôn sớm: Đây cũng là một trường phái. Có người học xong không biết làm gì, tính lập gia đình để tăng phần chín chắn, sống có trách nhiệm. Cũng có nhiều trường hợp, cưới là vì “bác sĩ bảo cưới.” FA: Phần này có lẽ là phần đông. Chưa tìm được một nửa của cuộc đời mình. Có những người thì chưa từng mối tình vắt vai, có người trải qua vài mối tình, vết thương lòng vẫn còn đây, giờ vẫn chưa sẵn sàng bên cạnh ai cả. Và cả những trường phái khác…

KHOẢNG CÁCH THẾ HỆ

Có hai khoảng cách lớn dẫn đến những sự bất đồng: thứ nhất là khoảng cách về giao tiếp và thứ hai là khoảng cách về tư duy. Sự khác biệt về tư duy, suy nghĩ, tư tưởng sống là điều không dễ để cả hai chấp nhận quan điểm cũng như lý lẽ của nhau. Bởi vì, khoảng cách giữa 20-30 năm tuổi của hai thế hệ là một khoảng cách dài. Thời buổi hiện đại, chỉ sau 1 năm – đã có quá nhiều sự thay đổi dẫn đến khác biệt về tư duy, suy nghĩ, nói gì hai thế hệ có một khoảng cách dài. Bên cạnh đó là khoảng cách về giao tiếp: Phần lớn phụ huynh thì tâm lý rằng mình trải cả cuộc đời, mình là người sinh ra con cái mình, thì mình hiểu nó hơn ai hết, mình cũng trải qua cả những chuyện này rồi, thì đây là điều phải làm. Phần lớn giới trẻ thì tâm lý rằng phụ huynh nhiều cái lạc hậu, bây giờ tư duy khác rồi, tư tưởng cũng đổi mới rồi. Rõ ràng, ai cũng đúng – nhưng là đúng từ phía góc nhìn của người đó – và nó vẫn không giải quyết được vấn đề về khoảng cách này. Không phải gia đình nào mà phụ huynh và con cái cũng tìm được tiếng nói chung. (Có lẽ đó cũng nên là mục tiêu mà thế hệ trẻ chúng ta cần đặt ra đối với thế hệ sau này: phải tìm được tiếng nói chung với nhau, cần lắng nghe nhau nhiều hơn, cần hiểu tâm tư của nhau). Có lẽ, nếu như cả hai đều có thêm kỹ năng về ĐẮC NHÂN TÂM và thấu hiểu tâm lý của nhau thì sự mâu thuẫn sẽ dễ được giải quyết hơn nhiều. Cho nên, hiểu biết các kĩ năng đắc nhân tâm, có sự lắng nghe, sự tôn trọng lẫn nhau và không vội phán xét nhau sẽ là một điều quan trọng trong thế kỷ 21.

Vậy, đằng sau những khoảng cách về tâm lý ấy, thì hôn nhân bây giờ, giới trẻ cần nhìn nhận như thế nào, ở đây đưa ra một vài góc nhìn – mà có lẽ những người trẻ ngày nay, cần sống hiện đại hơn và trách nhiệm hơn cho những lựa chọn của mình. Kết hôn không quan trọng là cưới thời điểm nào mà điều quan trọng hơn là khi đó bạn đã chuẩn bị được những gì?

Ở riêng hay ở chung?

Ngày xưa, truyền thống gia đình là nhiều thế hệ ở chung nhà và truyền thống là cưới sớm, vì thế mà khi con cái cưới vợ cưới chồng thì thông thường là ở bên cạnh bố mẹ. Ở với bố mẹ thì hiển nhiên bố mẹ có nhiều kinh nghiệm nhưng mặt trái cũng là có những kinh nghiệm bị lạc hậu, chưa kể thời buổi ngày nay có internet, có nhiều chuyên gia và khoa học về nuôi dạy con ngày càng phát triển, kiến thức hoàn toàn có thể cập nhật được. Về mặt tâm lý, xưa nay thì hay có quan niệm về “mẹ chồng nàng dâu” – rằng những mâu thuẫn giữa mẹ và vợ, ai quan trọng hơn? Chắc chắn sẽ có những mâu thuẫn xảy ra xung quanh vấn đề đó, nếu ở chung thì cần lường trước và giải quyết được, còn ở riêng thì dĩ nhiên là giải quyết mâu thuẫn đó và đôi khi xa nhau lúc gặp nhau tình cảm lại càng mặn nồng. Ngược lại, vấn đề tình cảm gia đình, khi ở chung thì bên cạnh nhau, tình cảm nhiều hơn, ở xa đôi khi lại thấy cô đơn. Vấn đề tài chính, khi tài chính khó khăn ở chung bên cạnh bố mẹ đỡ được nhiều khoản chi phí, nhưng như thế cũng có nghĩa là mâu thuẫn cũng có thể sẽ nảy sinh. Chung quy lại, trong thời buổi hiện đại rồi, người trẻ phải tính toán được vấn đề đó trước.

Bài toán tài chính

Kết hôn – thông thường cũng liên quan đến chuyện có con. Thời điểm người vợ mang bầu và sinh con, đồng nghĩa với việc lúc đó người lao động chính trong gia đình là người chồng (đang tính trong trường hợp không có nhiều sự hỗ trợ từ gia đình), điều này tương đương với việc 1 người làm nuôi 3 người. Ngay cả khi người phụ nữ được hưởng bảo hiểm thai sản thì điều kiện pháp luật hiện hành cũng là phải đóng BHXH từ 6 tháng trở lên – điều này có nghĩa là nữ mà kết hôn sớm khi chưa đi làm được một khoảng thời gian sẽ không được hưởng nó. Chưa kể số tiền bảo hiểm thai sản không hề nhiều – có thể coi là một khoản tượng trưng, và phải tính cả rủi ro sau khi sinh con, công việc có những sự thay đổi – và cần thời gian để người vợ thích nghi lại với công việc. Bài toán tài chính khi sinh con: giả sử hai vợ chồng sinh 1 người con, và số tiền 1 tháng nuôi con mức trung bình là 4 triệu đồng, ở đây tính mức trung bình, và không tính thêm các khoản phát sinh, bệnh tật, lạm phát,.. Khi nào thì không phải dành tiền nuôi con nữa? Trung bình là khi con 22 tuổi tốt nghiệp Đại học. Vậy 22 năm đó số tiền nuôi con là? 4 triệu * 22 năm * 12 tháng =  1 tỷ 056 triệu. Dĩ nhiên, với bất kì bạn trẻ nào cũng sẽ thấy ngay rằng sau 22 năm thì không bao giờ có chuyện 4 triệu bây giờ tương đương 4 triệu 22 năm tiếp theo, chưa kể nhiề rủi ro khác. Chưa kể nếu vợ chồng nuôi 2 đứa con. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, nếu kết hôn khi chưa chuẩn bị được tạm vững vàng về tài chính thì thời điểm đầu, là cực kì khó khăn với bạn, mà khó khăn thì hàng tháng vẫn phải nuôi con. Ở đây chỉ giả sử A có con năm 22 tuổi so với A kết hôn năm 26 tuổi. Tức là trong 4 năm đó, theo ví dụ trên thì A mất  192 triệu. Ở đây mất 192 triệu nuôi con nghĩa là bạn không có 192 triệu đó để đầu tư vào những thứ khác giúp bạn sinh lời và mang về kinh tế, thành ra khoản chênh lệch phải là 192 triệu * 2 = 384 triệu. Rõ ràng, với một bạn trẻ ở lứa tuổi ngoài 20 thì đó là số tiền quá lớn.

Vậy nên, ví dụ trên chỉ là minh chứng cho việc rằng khi bạn chưa tính toán được bài toán tài chính, và chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng thì hôn nhân sẽ là một vấn đề rất đau đầu. Theo thống kê pháp luật hôn nhân gia đình, các cặp li dị có nhiều nguyên nhân: chẳng hạn như không hợp nhau, chênh lệch trí tuệ, bạo lực gia đình, ngoại tình,… trong đó tài chính là một nguyên nhân khá quan trọng. Trên đây chỉ phân tích một yếu tố là yếu tố tài chính. Thành công trong chuẩn bị là chuẩn bị cho thành công Thời buổi mới, thanh niên hiện đại là phải đổi mới tư duy, cần có sự rõ ràng trong tư duy và một cái đầu logic để tính toán được các bài toán lớn. Chưa kể, đến với hôn nhân còn là cả quá trình tìm được một người phù hợp với mình, hiểu mình, mình hiểu người đó. Rồi cũng cần sự chuẩn bị phần nào đó về sự nghiệp, về con người có va vấp, có trải nghiệm trước khi tiến tới chuyện lập gia đình. Lập gia đình thì không khó, nhưng nuôi con là vấn đề khó. Nó đòi hỏi thêm nhiều kĩ năng và kinh nghiệm, khả năng chịu được áp lực, khả năng cân bằng mọi mặt. Cho nên, thay vì để cảm xúc chi phối và loay hoay giải quyết nên làm gì với vấn đề này, thì tốt hơn hết mỗi người trẻ nên có kế hoạch cho chính mình, để dù cho bố mẹ hay người lớn hỏi han những điều gì thì bên trong tự bạn đã có câu trả lời.

-Edward-

Sidebar


2018-10-21  Thu Thảo