Thật khó khi bạn muốn nuôi dưỡng những mối liên hệ sâu sắc mà lại thiếu lòng tin. Tin tốt là cuộc sống không cần phải như vậy. Nhưng tin xấu là vấn đề của bạn với người khác chủ yếu không nằm ở họ. Có thể bạn đang tự gây khó khăn cho mình.
Hãy để tôi giải thích.
Ngay khi tốt nghiệp, tôi nhận được công việc tư vấn cho những thanh thiếu niên nổi loạn và nóng nảy. Nhiều em lớn lên ở khu vực nội thành và đối mặt với các nguyên nhân gây căng thẳng tâm lý như bạo lực giữa các băng nhóm, ma túy và cha hoặc mẹ đơn thân. Với nỗ lực cố gắng giúp đỡ nhiều em nhất có thể, tôi chọn cách điều trị là tư vấn theo nhóm nhằm tập trung vào việc kiểm soát cơn giận và các kỹ năng xã hội. Vì mới vào nghề, tôi biết điều tốt nhất mình cần làm để thấu hiểu và giúp đỡ những đứa trẻ này là lắng nghe xu hướng chung của các em. Và đó là:
“Cháu không tin ai cả.”
Dù tôi làm việc với các em nam hay nữ, cho đến nay đây vẫn là xu hướng phổ biến nhất, và đồng thời là khía cạnh thách thức nhất trong quá trình tư vấn cho các em. Qua thời gian khi có thêm kinh nghiệm, tôi khám phá ra rằng không tin tưởng người khác chính là cuộc chiến của nhiều bệnh nhân.
Lòng Tin Là Nền Tảng Của Mối Quan Hệ
Mối quan hệ được dự đoán dựa trên lòng tin. Khi không tin tưởng người khác, bạn đang tự ngắt mối liên kết với họ và cuộc sống chân thật. Có lẽ bạn vốn khó mở lòng với ai đó. Có lẽ bạn từng cảm thấy an toàn khi chia sẻ những hy vọng, ước mơ, và điều không đẹp đẽ của chính mình, nhưng giờ thì không còn nữa.
Hầu hết chúng ta đều phải trả giá sau khi “mất cảnh giác”. Một số hồi phục bằng cách rũ bỏ lớp tàn dư và tiến về phía trước. Số khác tránh xa và gần như bỏ qua những người có thể trở thành đồng minh mạnh nhất của mình.
Bạn có bao giờ nói những lời này với bản thân hay với người khác chưa?
“Làm thế nào để mình tin tưởng ai đó?”
“Làm sao mình biết được họ có an toàn hay không?”
“Một lần bị cắn, hai lần nhát.”
“Chỉ tin tưởng gia đình mà thôi.”
Tại Sao Bạn Khó Tin Tưởng?
Mặc dù nghe có vẻ phi lý, nhưng ý nghĩa thật sự của “Tôi không tin ai cả” là “Tôi không tin tưởng bản thân.”
Trở lại với những “con ngựa non” bất kham trong những năm đầu tôi mới vào nghề trị liệu. Trong suốt quá trình giám sát điều trị, cố vấn Reevah Simon giải thích rằng khi một người không ngừng nói về một người nào đó, thực tế là họ đang nói về bản thân và nỗi đau của chính mình. Và một cách để tránh cảm thấy những cảm xúc không mong muốn là “truyền” nó cho một người khác qua cơ chế phóng chiếu đồng nhất hóa (projective identification):
Phóng chiếu là hành động vô thức gán một điều gì đó trong bản thân ta cho một người khác. Rất thường xuyên, điều ta phóng chiếu là cảm xúc hoặc tính cách mà ta không muốn. Như vậy, bằng cách gán cho người khác là dư thừa, tiêu cực hay không chân thành, bạn có thể tránh tự mình cảm nhận những xúc cảm đó.
Ví dụ, nếu Sara cảm thấy mình không đáng yêu, cô có thể bước đến gặp John và nói, “Anh là kẻ thất bại.” Giả sử John không làm gì để đáng phải bị gọi như vậy, thì Sara đang phóng chiếu lên John cảm xúc không xứng đáng mà cô cảm nhận. Khi làm như vậy, Sara để cho John “hứng chịu cảm giác tội lỗi” cho sự giận dữ, bực bội, và buồn phiền của mình. Cô cũng không có khả năng nhìn thấy rõ thực tế của bản thân.
Đồng nhất với sự phóng chiếu của người khác nghĩa là đánh mất khả năng tin tưởng vào nhận thức, quan điểm, suy nghĩ, và cảm xúc của bản thân. Bạn thiếu khả năng thấu hiểu thế giới nội tâm của mình. Dấu hiệu của khả năng tin tưởng vào bản thân là hình thành những ranh giới hiệu quả khi ai đó nhắm sự phóng chiếu đến bạn.
Ở mức độ sâu sắc hơn, việc thiếu niềm tin vào người khác thể hiện một cái tôi chưa chín chắn, chưa bền bỉ và không thể chịu đựng cảm giác khó chịu. Lẽ dĩ nhiên, nếu bạn được nuôi nấng bởi những người chăm sóc không biết thông cảm và quan tâm, có thể dễ dàng thấy được tại sao bạn gặp vấn đề về lòng tin. Tại sao bạn lại tin tưởng người khác nếu cảm xúc thuở ấu thơ của bạn không hề được công nhận?
Thiếu vắng nền tảng này, bạn tin chắc rằng người khác sẽ không giữ lời và làm bạn thất vọng. Suy cho cùng, nếu cha mẹ và người chăm sóc – những người lẽ ra phải yêu thương ta vô điều kiện – lại phản bội ta, thì tại sao người khác lại không?
Việc cho rằng mình sẽ liên tục bị cự tuyệt nguy hiểm ở chỗ những suy nghĩ tự động và ăn sâu vào ta khiến ta thực hiện những hành vi mà chắc chắn gây ra phản ứng tiêu cực. Thế rồi, khi chỉ còn lại một mình, ta có thể tiếp tục đổ lỗi rằng xã hội này thật tồi tệ.
Và đây là điều khiến những thanh thiếu niên mà tôi tư vấn vấp ngã. Vì không tin tưởng vào khả năng vượt qua những nỗi đau của bản thân, nên các em cứ mắc kẹt mãi. Mặc dù chỉ hơi tin vào những tuyên bố hùng hồn rằng mình không cần ai cả, nhưng các em lại vô tình bị người khác phản ứng tiêu cực nhiều hơn do suy nghĩ và cư xử cứng nhắc. Tệ hơn nữa, một vài em trong số đó cực kỳ thông minh và tài năng. Việc các em liên tục quá cảnh giác và thu mình lại cũng gây tổn thương cho người khác, vì các em không sẻ chia tài năng đặc biệt và đóng góp của mình.
Tất cả chúng ta đều kết nối với nhau. Và khi cắt đứt với người khác, bạn cũng cắt đứt mối liên hệ quan trọng nhất trong tất cả – mối quan hệ với chính bản thân bạn.
Cách Xây Dựng Niềm Tin Vào Bản Thân
1. Thừa nhận rằng tất cả mọi người đều có mặt “tốt” và “xấu”. Nói cách khác, chúng ta là những sinh vật không hoàn hảo.
2. Chấp nhận những mặt tối và khó chịu vốn có của bản thân. Thay đổi những gì có thể, và chấp nhận rằng bạn sẽ không bao giờ phát triển hoàn hảo.
3. Cố gắng chịu đựng những xúc cảm mạnh mẽ và mãnh liệt như đau đớn, thù địch, từ chối, thân mật, và yêu thương.
4. Có ý thức trong việc phóng chiếu những cảm xúc đó ra bên ngoài vì bạn không muốn đối diện với nó.
5. Quên đi những ai từng phản bội bạn. Hãy cưỡng lại mong muốn nhắc đi nhắc lại những người đã cư xử không tốt với bạn, và đừng để cho trải nghiệm đó cản trở quá trình thúc đẩy những mối quan hệ lành mạnh trong hiện tại.
6. Tin tưởng nghĩa là buông bỏ cảm giác hài lòng tức thì. Đừng nóng vội mà hãy thư giãn khi chờ đợi một cuộc điện loại, lời mời làm việc, lời nhờ vả, hay một câu trả lời. Thay vì mặc định dùng liên tục nhắn tin cho người khác hoặc hoảng loạn, hãy tìm những cách thức lành mạnh để giữ cho tâm trí bạn bận rộn.
7. Biết rằng thế giới căn bản là một nơi an toàn, và tin tưởng vào tính thiện vốn có nơi người khác.
8. Học cách chấp nhận rằng khi ai đó phản bội hay làm tổn thương lòng tin của bạn, bạn có thể chống lại những cảm xúc khó chịu như giận dữ, cự tuyệt, tổn thương, và không chắc chắn. Sẽ chẳng đến nỗi bạn đau khổ và tự hủy hoại bản thân.
9. Tha thứ cho bản thân vì đã phóng chiếu lên người khác. Chúng ta đều từng trải qua giai đoạn đó.
10. Nhận ra người khác không thể “hiểu” bạn nếu bạn không hiểu bản thân.
Việc này có khó không?
Chắc chắn rồi. Ai lại muốn đối diện với mặt tối của mình chứ? Bước đầu tiên trong việc trải nghiệm những mối quan hệ lành mạnh, phát triển là học cách kiềm chế những cảm xúc không mong muốn, và không phóng chiếu nó lên người khác.
Ngay khi bạn tin tưởng bản thân, bạn sẽ biết cách sống. – Johann Wolfgang von Goethe
Tác giả: Linda Esposito
Nguồn: https://www.psychologytoday.com/blog/anxiety-zen/201507/10-steps-restoring-trust-in-relationships