LaraMag - Laravel News / Magazine Multilingual System

Header
collapse
...
Home / Tâm lý học tình yêu / Trong thế giới tình yêu, chỉ yêu nhau thôi vẫn chưa đủ

Trong thế giới tình yêu, chỉ yêu nhau thôi vẫn chưa đủ

2018-10-21  Thu Thảo

Tình yêu có sức ảnh hưởng rất lớn nhưng không phải lúc nào tình yêu cũng vượt qua trở ngại và sự khác biệt…

“Tình yêu là tất cả những gì chúng ta cần”, nhạc sỹ huyền thoại người Anh John Lennon viết như thế và trong thế giới tình yêu lãng mạn, người ta cũng tin là vậy. Tuy nhiên, chúng ta lại thấy rõ ràng trong thực tế cuộc sống, đã có nhiều tình yêu đẹp tan vỡ, nhiều gia đình hạnh phúc cũng chia lìa. Bởi, tình yêu có sức ảnh hưởng rất lớn nhưng không phải lúc nào tình yêu cũng vượt qua trở ngại và sự khác biệt.

Chẳng hạn như hai người yêu thương nhau và kết hôn thành vợ chồng nhưng rồi sự nghiệp cũng như định hướng cuộc đời lại đi về hai phía khác nhau như câu chuyện tình buồn của Angelia Jolie và Brad Pitt. Chàng muốn ổn định cuộc sống tại quê nhà còn nàng lại muốn chuyển đến đất nước khác vì hoạt động chính trị và nhân đạo. Vì vậy, chỉ một bất đồng nhỏ, một tình yêu đẹp, một đại gia đình đã tan vỡ. Vậy làm sao để có sự chuẩn bị và chấp nhận khi tình yêu đến nhưng không đủ mạnh để cân bằng bất đồng và khác biệt.:

TÔI VÀ NGƯỜI ẤY CÓ THỰC SỰ HIỂU HAY MUỐN HIỂU NHAU KHÔNG?

Kể từ khi trưởng thành và tự lập, chúng ta cần phải hiểu mình là ai, mình đang cần và tìm kiếm cái gì? Sau đó khi làm quen, hẹn hò, yêu đương, sống chung hay kết hôn, chúng ta cần tìm hiểu người tình hay bạn đời của chúng ta là người như thế nào, họ đang cần và tìm kiếm cái gì? Liệu những gì bạn và người ấy muốn cho đi và nhận về có tương thích không? Sự tương thích ở đây không nằm ở sự chia sẻ 50/50 về mọi mặt như nhiều nhà hoạt động bình đẳng giới vẫn tư duy. Sự tương thích trong mối quan hệ lãng mạn của thế giới tình yêu nằm ở việc cho và nhận những gì mình và người ta cần và muốn, đặc biệt những nguyện vọng đó có làm cho hai người “bớt khổ” hơn như triết lý đạo Phật nói rằng yêu thương chính là làm cho nhau bớt khổ. Để hiểu mình, hiểu người, chúng ta cần chân thành, trung thực với chính bản thân mình và bạn đời, cần xác định xem mong muốn và nguyện vọng của mình và đối tác có hợp tình và hợp lý không.

CHÚNG TÔI CẦN TÌM HIỂU NHỮNG GÌ Ở NHAU?

Chúng ta vẫn nói muốn thương yêu cần hiểu nhau, và đôi lúc chúng ta quá chú trọng đến một vài điều tưởng chừng như cơ bản và thiết yếu trong cuộc sống như: nghề nghiệp, bằng cấp, ngoại hình, số tiền trong ngân hàng, gia cảnh, bạn bè thậm chí cả đến tính cách để quyết định tiến xa trong một mối quan hệ. Nhưng khi tình cảm phát triển, chúng ta lại vỡ lẽ ra nhiều điều không thể hòa hợp khác. Vậy đâu là những điều chúng ta thực sự cần quan tâm? Theo người viết, chúng ta cần xác định rõ đâu là giá trị cơ bản trong cuộc sống của mỗi người. Ví dụ như: đối với mình và bạn đời điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống hiện tại và tương lai: Cuộc sống cá nhân, gia đình, công việc, xã hội, tôn giáo, sức khỏe, sở thích, con cái, cha mẹ… Để thực sự hiểu những giá trị cơ bản của mình và hiểu bạn đời không phải là việc dễ dàng bởi mỗi cá nhân bị chi phối không chỉ đặc điểm tâm sinh lý khác nhau, đặc điểm giới tính, hoàn cảnh gia đình, văn hóa xã hội khác nhau. Hơn nữa trong quá trình tìm hiểu nhau, hoàn cảnh cũng có thể có những biến động lớn như tình hình sức khỏe, kinh tế, chính trị, văn hóa… Theo đó những giá trị cơ bản trong cuộc sống cũng dần thay đổi. Vì thế, để thực sự hiểu nhau, chúng ta không chỉ cần có cái nhìn cởi mở, rộng rãi mà cần cả sự chia sẻ và thấu hiểu về quá khứ, hiện tại và ước mơ trong tương lai của hai người. Theo đó, cùng nhau nhận định xem những giá trị cơ bản của người này có hỗ trợ hay cản trở những giá trị cơ bản của người kia không? Nếu hỗ trợ nhau thì nghĩa là hai bên hòa hợp, còn nếu cản trở thì liệu một trong hai bên hoặc cả hai có sẵn sàng và có thể thay đổi để hòa hợp với nhau không?

TÔI VÀ NGƯỜI ẤY CÓ HÒA HỢP NHAU KHÔNG?

Sự hòa hợp giữa người với người vẫn được chúng ta hiểu là những điểm tương đồng, vì thế khi tìm hiểu bạn bè hay bạn tình chúng ta hay có xu hướng tìm kiếm những người có những điểm chung bởi khác biệt làm chúng ta hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, thiên nhiên vốn hài hòa bởi sự tương đồng cũng như đa dạng và khác biệt. Theo người viết, sự hài hòa trong tình yêu cũng không nằm ngoài quy luật tự nhiên đó, rất nhiều khi nó đến từ quy luật bù trừ. Vậy, khi tìm kiếm đối tượng phù hợp trong thế giới tình yêu, chúng ta không nên chỉ nhắm đến sự tương đồng mà nên quan sát cả sự khác biệt, xem rằng sự khác biệt đó có thể lại khỏa lấp những thiếu sót trong cuộc sống của chúng ta. Chẳng hạn như, nếu hai bạn cùng là nhà giáo, các bạn có thể hỗ trợ chuyên môn nhau cùng phát triển, nhưng nếu một người là nhà giáo một người là kỹ sư, vậy một người có thể nuôi dạy con cái tốt, và người có thể không dạy con học nhưng lại có thể xây nên một ngôi nhà đẹp cho gia đình. Quy luật hòa hợp chỉ đơn giản là cách chúng ta vận dụng sự tương đồng và khác biệt một cách hợp lý.

TÔI VÀ NGƯỜI ẤY CÓ SỐNG TỐT HƠN KHI Ở BÊN NHAU KHÔNG?

Để đi đến một quyết định rằng tôi và người ấy hợp nhau, vậy khi tìm hiểu, sống chung hoặc kết hôn, chúng ta cần kiểm nghiệm xem mình và người ấy có cuộc sống tốt đẹp hơn khi ở bên nhau không? Như thế nghĩa là chúng ta cần phải xác định thế nào là một cuộc sống tốt? Có nhiều người nghĩ đơn giản sống tốt hơn chỉ là có nhiều tiền hơn, có sự nghiệp thành công hơn, có cuộc sống xã hội sôi động hơn, có nhiều con cháu hơn… Tuy nhiên, trong thực tế, khi có quá nhiều tiền, chúng ta lại muốn nhiều hơn nữa, khi có nhiều con cháu chúng ta bớt cô đơn nhưng lại có thêm quá nhiều trách nhiệm, khi thành công hơn đồng nghĩa với bận rộn hơn, không có thời gian cho bản thân và gia đình, thậm chí sức khỏe suy giảm,… Vậy, nên chăng, định nghĩa về cuộc sống tốt hơn thực ra vẫn là sự hài lòng với những gì mình có. Vậy, khi hai người ở bên nhau, có thấy hài lòng vì những gì mình đem lại cho nhau không? Nếu có, nghĩa là hai người đang thực sự sống tốt hơn.

TÔI VÀ NGƯỜI ẤY CÓ HẠNH PHÚC BÊN NHAU KHÔNG?

Khi đã hiểu nhau rồi, giúp nhau có cuộc sống tốt hơn rồi nhưng liệu thế đã đủ chưa bởi nhiều cặp đôi khi quá hiểu nhau bỗng thấy nhàm chán. Khi cuộc sống đầy đủ lại thấy thờ ơ. Vậy làm sao để thế giới tình yêu tiếp tục phát triển? Đó là việc hiểu cảm xúc của nhau. Hai bạn cảm thấy thế nào khi ở bên nhau? Các bạn thường cảm thấy hài lòng, vui vẻ, trân trọng, chấp nhận hay lo lắng và hiểu lầm thường xuyên hoặc thấy nhàm chán, thất vọng? Hai bạn có tôn trọng và đối xử tốt với nhau và những người liên quan của nhau như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và các mối quan hệ xã hội khác không? Nếu có, nghĩa là các bạn đã thực sự yêu thương nhau, thực sự hòa hợp và thực sự hạnh phúc.

Nhưng nếu sau quá trình tìm hiểu nhau nhưng các câu trả lời cho các câu hỏi trên nhiều không hơn là có, nghĩa là tình yêu thực sự không đủ. Giải pháp luôn là quyết định tiếp bước trong cái thế giới tình yêu mà không hạnh phúc ấy hoặc một sự chia ly trong khổ đau. Như Martina McBride hát rằng: “Bạn có thể yêu ai đó bằng cả trái tim và vì mọi lý do chính đáng và trong một khoảnh khắc nào đó, người ta vẫn lựa chọn rời xa bạn. Dù sao chúng ta cũng vẫn nên yêu họ”. Quyết định yêu ai đó là một điều dũng cảm, đặc biệt là khi bạn chưa chắc chắn rằng liệu tình yêu của bạn có tồn tại được không, dù sao bạn cũng vẫn nên yêu người ấy. Bạn sẽ trưởng thành và mạnh mẽ hơn nhờ vào sự dũng cảm của mình. Chia tay luôn là một lựa chọn gây đau khổ nhưng may mắn rằng những nỗi đau cũng khiến chúng ta trưởng thành hơn. Bởi đôi lúc, những gì chúng ta học được về tình yêu và hiểu hơn về chính mình nhờ vào sự mất mát nhiều hơn nhờ vào việc duy trì tình yêu.

—Nguồn: ELLE-

Trong thế giới tình yêu, chỉ yêu nhau thôi vẫn chưa đủ


2018-10-21  Thu Thảo