Khi yêu nhau, người ta thường trò chuyện không ngừng. Trò chuyện để hiểu nhau, để thương nhau hoặc đơn gian chỉ để biết đối phương đang làm gì, có nhớ mình không? Trò chuyện nhiều thành thói quen, vậy là mỗi sáng thức dậy việc quan trọng đầu tiên sau khi mở mắt là cầm luôn chiếc điện thoại để xem đã có tin nhắn của đối phương chưa, tiếp tục những câu chuyện của hai người yêu nhau.
Tình yêu là thứ cảm xúc kì lạ, hai người bên nhau trò chuyện, quấn quýt đêm ngày vậy mà vừa rời xa nhau đã không ngừng nhung nhớ. Thế nhưng, sau tất cả, người ta lại chọn cách im lặng chia tay để không nghe giọng nói, không nhìn thấy nhau và để trái tim giày vò bản thân đau đớn nhất.
Vốn dĩ, khi còn yêu nhau im lặng chính là thứ xúc tác nhẹ nhàng cho hai người trong tình yêu thêm hiểu nhau hơn, yêu nhau nhiều hơn. Nhưng khi hết yêu, đối phương chọn cách im lặng để kết thúc, khi đối diện với sự yên tĩnh ấy em sợ, em sợ không biết bản thân mình đối diện bằng cách nào; Nói thêm một câu em sợ làm phiền, nói ít một câu em sợ bản thân mình không nói hết được suy nghĩ, rồi em cũng im lặng.
Im lặng để chia tay trong bảy bảy bốn chín kiểu chia tay là sự lựa chọn người hết yêu cảm thấy nhẹ nhàng nhất, bởi không cần suy nghĩ phải mở lời như thế nào, không nói những lời làm con tim đối phương tổn thương. Nhưng một người vẫn còn yêu mà người ta lại chọn cách im lặng chia tay thì hẳn con tim sẽ đớn đau lắm, cảm xúc bị giày vò trong một tá thứ hỗn độn.
Đối với tình yêu, chia tay là điều không mong muốn. Đã yêu nhau ai chẳng muốn cùng người kia đi đến cuối chặng đường dài, chọn im lặng để chia tay thì một đời này sẽ khó quên nhau, một đời này sẽ day dứt trong lòng những lời cuối nói với nhau để kết thúc một chuyện tình trọn vẹn..
Im lặng để chia tay, nhẹ nhàng nhưng đau đớn nhất….
-Nguồn: Mạng văn học xã hội-