Người không có ranh giới rõ ràng thường rơi vào hai dạng: hoặc nhận quá nhiều trách nhiệm cho cảm xúc/hành động của người khác, hoặc mong đợi quá nhiều từ người khác nhận trách nhiệm cho cảm xúc/hành động của mình.
Thật tréo ngoe là, hai dạng người trên, cuối cùng, lại thường đi bên cạnh nhau.
Một vài ví dụ về các ranh giới không rõ ràng:
“Anh không thể ra ngoài với bạn mà không có em. Anh biết là em ganh tỵ như thế nào mà. Anh phải ở nhà với em.”
hay: “Xin lỗi các cậu nhé, tớ không thể đi chơi với các cậu tối nay được, người yêu tớ sẽ rất giận nếu tớ ra ngoài mà không dẫn cô ấy đi cùng.”
hay: “Các đồng nghiệp của mình thật ngốc nghếch và tớ luôn đi trễ các cuộc họp vì tớ luôn phải cầm tay chỉ việc cho họ.”
hay: “Tôi rất thích công việc ở Milwaukee, nhưng mẹ tôi sẽ không bao giờ tha thứ vì tôi chuyển đi làm xa như vậy.”
hay: “Em có thể hẹn hò với anh, nhưng anh đừng nói với Cindy bạn em nhé. Cổ sẽ rất ganh tỵ khi biết em có bạn trai trong khi cổ chưa có.”
Trong mỗi bối cảnh trên, người ta đang nhận trách nhiệm cho hành động/cảm xúc không phải của mình hay họ đang đòi hỏi người khác phải nhận trách nhiệm cho hành động/cảm xúc của họ.
Ranh giới cá nhân lành mạnh = Nhận trách nhiệm cho chính hành động và cảm xúc của mình, trong khi KHÔNG nhận trách nhiệm cho hành động và cảm xúc của người khác.
Với những ai đã đọc Six Pillars of Self Esteem (Sáu chính yếu của lòng tự trọng) do Nathaniel Branden viết, hẳn các bạn sẽ nhận ra việc nhận trách nhiệm cho chính hành động của mình và không trách bất kỳ ai chính là hai trong số các chính yếu mà Branden đề cập. Người có lòng tự trọng cao sẽ có ranh giới cá nhân rõ ràng. Việc thực tập để có ranh giới cá nhân rõ ràng cũng là một cách để xây dựng lòng tự trọng.
Một cách khác để nghĩ về nó khi bạn có một khoảng không cho cảm xúc và hành động mà không rõ trách nhiệm thuộc về ai, cho cái gì, lỗi là gì và của ai, tại sao bạn phải làm điều bạn đang làm – bạn sẽ không thể phát triển được bản sắc cho bản thân.
Ví dụ, nếu bạn thật sự thích Judo nhưng bạn luôn đổ lỗi cho giáo viên về việc bạn chưa tiến bộ và cảm thấy tội lỗi khi đến lớp vì vợ bạn sẽ cảm thấy cô đơn khi không có bạn bên cạnh, khi đó bạn không làm chủ được bản sắc cho bản thân mình. Judo là việc bạn làm, nó không thể hiện bạn là ai. Khi đó nó trở nên điều giả dối, một công cụ trong ván cờ để nhận được sự đồng thuận của xã hội hơn là việc thỏa mãn chính nhu cầu cá nhân để thể hiện bản thân. Đó là sự lệ thuộc. Sự lệ thuộc vào việc chấp thuận của những người ngoài sẽ dẫn đến lòng tự trọng suy giảm và làm hành động của bạn kém hấp dẫn.
RANH GIỚI KHÔNG RÕ RÀNG VÀ CÁC MỐI QUAN HỆ THÂN MẬT
Tôi thật sự tin rằng các vấn đề về ranh giới ở cấp độ gia đình là khó giải quyết rạch ròi nhất. Bạn luôn có thể đá anh/cô người yêu ngu ngốc một cách nhanh chóng, ly dị có thể thông qua một hoặc nhiều cuộc điện thoại, nhưng bạn không bao giờ có thể chia tay với bố mẹ của mình được.
Nếu bạn có vấn đề về ranh giới trong gia đình mình, thì cũng rất có thể, bạn sẽ gặp cùng vấn đề đó trong mối quan hệ yêu đương. Các mối quan hệ là nơi tốt nhất để bắt đầu sửa chữa điều đó.
Có thể, ở một số thời điểm bạn sẽ ở trong một mối quan hệ giống y như tàu lượn siêu tốc: khi mọi việc diễn ra tốt, nó thật tuyệt vời; khi mọi việc diễn ra xấu, nó thật kinh khủng; và sẽ có sự dao động có thể tiên đoán trước giữa hai người – hai tuần ngọt ngào, theo đó sẽ là hai tuần như địa ngục, theo sau đó sẽ là một tháng ngọt ngào, tiếp nữa là việc chia tay ủ ôi và rồi sau đó là sự tái hợp đầy kịch tính. Nó là điểm chỉ cho mối quan hệ cùng lệ thuộc và thường đại diện cho hai người không có khả năng xác lập ranh giới cá nhân rõ ràng.
Mối quan hệ chính thức đầu tiên của tôi giống như thế. Lúc đó, mối quan hệ rất nồng nhiệt và cảm giác như chúng tôi đang chống lại cả thế giới. Nhận thức muộn màng sau khi mối quan hệ kết thúc, rằng nó cực kì không lành mạnh một chút nào và tôi hạnh phúc hơn rất nhiều khi không giữ mối hệ này.
Người thiếu ranh giới cá nhân là bởi họ có tính phụ thuộc cao (hay trong ngôn ngữ Tâm lý học là đồng phụ thuộc). Người phụ thuộc hay đồng phụ thuộc, có nhu cầu tha thiết về tình yêu và tình cảm từ người khác, họ có thể sẵn sàng từ bỏ bản sắc của bản thân và dỡ bỏ ranh giới cá nhân của mình. (Mà ngang trái thay, việc thiếu bản sắc cá nhân và những ranh giới làm cho họ kém hấp dẫn với hầu hết mọi người.)
Người nào đổ lỗi cho người khác về cảm xúc và hành động của chính họ là bởi vì họ tin rằng nếu họ đặt trách nhiệm vào mọi người xung quanh, họ sẽ nhận được tình cảm họ luôn cần và mong muốn. Nếu họ luôn xây dựng hình ảnh mình như nạn nhân, chí ít ra cũng sẽ có ai đó cứu vớt cuộc đời họ. Người nào nhận lỗi cho cảm xúc và hành động của người khác thì lại luôn trông đợi vào việc giải cứu cho ai đó. Họ tin rằng nếu họ có thể “sửa chữa” người bạn của mình, họ sẽ nhận được tình yêu cũng như sự tôn thờ mà họ luôn mong muốn.
Dễ nhận thấy là hai dạng người này thu hút mãnh liệt vào nhau. Con đường đi của họ hợp nhau một cách hoàn hảo. Thường xuyên, họ sinh trưởng với bố mẹ có một trong những đặc điểm trên. Do đó, hình mẫu của họ cho một mối quan hệ “hạnh phúc” là dựa trên việc phụ thuộc và ranh giới cá nhân mờ nhạt.
Mỉa mai thay, họ đều thất bại trong việc đáp ứng nhu cầu của đối phương. Thật ra, họ đều chỉ đang cung phụng để kéo dài sự lệ thuộc vào nhau và lòng tự trọng thấp – những điều đang tách họ khỏi việc đáp ứng nhu cầu về mặt cảm xúc. Người đóng vai trò nạn nhân thì xây dựng nên càng nhiều vấn đề để giải quyết và người cứu rỗi thì giải quyết hết cái này đến cái khác, nhưng tình yêu và sự trân trọng họ luôn cần thì chưa bao giờ được trao cho nhau.
Trong quyển Các hình mẫu thu hút phụ nữ bằng sự chân thành, khi tôi nói về sự tin cậy, tôi giải thích làm thế nào mà trong các mối quan hệ, bất kể thứ gì được cho với động cơ không rõ ràng, với mong đợi được nhận lại điều-gì-đó, khi điều-gì-đó không được cho như là một “món quà”, thì nó sẽ mất đi giá trị của nó. Nếu điều-gì-đó hiển nhiên được tự dâng cho, thì nó sẽ không có giá trị gì cả.
Điều này đang xẩy ra trong các mối quan hệ đồng phụ thuộc. Nạn nhân tạo ra các vấn đề không phải vì đó là vấn đề thật sự, nhưng bởi vì nó sẽ làm họ được yêu. Người cứu rỗi không cứu nạn nhân bởi vì họ thật sự quan tâm đến vấn đề, chỉ bởi vì họ tin rằng nếu họ giải quyết được thì họ sẽ được yêu.
Trong cả hai trường hợp, các ý định đều khá lệ thuộc và do đó tự hủy hoại bản thân mình và trở nên kém hấp dẫn. Nếu người cứu rỗi thật sự muốn cứu nạn nhân, người đó nên nói rằng “Này, bạn đang đổ lỗi những vấn đề của bạn cho người khác, hãy tự giải quyết chúng đi.” Đấy mới chính là thực sự yêu nạn nhân. Người trong vai nạn nhân, nếu thật sự yêu thương người cứu rỗi, sẽ nói “Này, đây là vấn đề của tôi, cậu không cần phải giải quyết hộ tôi.” Đây mới thật sự là yêu người cứu rỗi.
Nhưng việc này không phải lúc nào cũng xẩy ra … Nạn nhân và người cứu rỗi thường có xúc cảm mãnh liệt với nhau. Nó giống như việc gây nghiện khi khỏa lấp cho nhau, và khi hiện diện với xúc cảm lành mạnh với đối tượng, họ thường cảm thấy chán hoặc thấy kém “rung cảm”. Họ sẽ lướt qua các cá nhân an toàn và lành mạnh bởi vì các ranh giới mạnh mẽ của đối tượng an toàn sẽ không tạo rung động cho ranh giới cảm xúc không rõ ràng của người phụ thuộc.
Từ góc nhìn của Lý thuyết gắn bó (attachment theory), nạn nhân thường thuộc dạng gắn bó-lo sợ, trong khi đó người cứu rỗi thường thuộc dạng gắn bó-tránh né. Hay như cách tôi thích gọi họ là: người điên và kẻ vô lại. Cả hai thường tránh xa các dạng gắn bó-an toàn.
Đối với nạn nhân, việc khó làm nhất trên đời là tự chủ cảm xúc và cuộc đời của họ hơn là với người khác. Họ sống cả đời chỉ tin rằng phải đổ lỗi cho người khác để cảm thấy sự thân mật hoặc tình yêu, do đó bỏ đi suy nghĩ ấy thì thật đáng sợ. Đối với người cứu rỗi, việc khó làm nhất quả đất là ngừng sửa chữa vấn đề của người khác và cố ép họ hạnh phúc và viên mãn. Với họ, họ sống cả đời chỉ cảm thấy có giá trị và được yêu thương khi họ đang sửa chữa một vấn đề hay cho ai đó nương nhờ, bỏ đi suy nghĩ đó cũng thật là đáng sợ.
Cả hai cùng bắt đầu quá trình xây dựng lòng tự trọng. Cả hai cùng bắt đầu loại bỏ hành vi phụ thuộc và trở nên cuốn hút hơn. (Ghi chú ngoài: Tôi có đề cập trong quyển sách của mình rằng hành động phụ thuộc sẽ làm bạn kém hấp dẫn đi với nhiều người bằng cách giới hạn bạn với những người có cùng cấp độ phụ thuộc; ông bà ta có câu ngạn ngữ là nồi nào úp vung đó.
Nếu bạn cuối cùng chỉ hấp dẫn những người có lòng tự trọng thấp, thì có lẽ là bạn cũng là người có lòng tự trọng thấp. Nếu bạn chỉ thu hút những nữ hoàng thị phi thích đòi hỏi, thì bạn cũng là một cô nữ hoàng thị phi thích đòi hỏi. Ừ, bạn là nữ hoàng đấy.)
VÀI VÍ DỤ KHÁC
Vì đây là chủ đề mà rất rất nhiều người luôn đặt câu hỏi, “Ờ, hay đó, nhưng mà trông nó ra làm sao?”
Tôi sẽ cho thêm một vài ví dụ.
Ranh giới cá nhân, đặc biệt quan trọng trong mối quan hệ mật thiết, cũng có tác động lớn đến mối quan hệ bè bạn, quan hệ gia đình và thậm chí quan hệ công việc. Tôi sẽ liệt kê đa dạng các dẫn chứng như sau:
“Jon, chúng ta đã cùng làm việc với nhau trong năm năm. Tôi không thể tin được rằng bạn chơi tôi như thế trước mặt sếp chúng ta.”
“Nhưng bạn dẫn thông số không chính xác. Bạn hiểu nó quan trọng thế nào để đưa ra các con số chính xác mà.”
“Phải rồi, nhưng bạn phải đỡ lưng cho tôi chứ. Bạn làm tôi như thằng tồi. Bạn không nên thể hiện bất đồng quan điểm với tôi trước mặt tất cả mọi người như thế chứ.”
“Nghe này, tôi rất quý bạn. Bạn là bạn của tôi. Nhưng tôi không thể làm việc của bạn thay cho bạn. Vậy đó. Ngừng thảo luận nhé.”
“Tôi đang làm việc của mình đó thôi!”“Tốt, vậy nếu tôi có nói gì thêm thì cũng không quan trọng.”
Vài người bạn có lẽ là hơi quá thân một tí. Trường hợp này xẩy đến trong nhiều hình thái khác nhau trong đời sống: người bạn lâu năm làm hỏng việc, thay vì nhận trách nhiệm về bản thân mình thì lại mong đợi bạn gánh vác một phần trách nhiệm với họ bởi vì “đó là điều bạn bè làm cho nhau.”
Chấp nhận việc đó sẽ dẫn đến tình bạn đồng phụ thuộc, không lành mạnh.
Vâng, thậm chí tình bạn cũng có thể rất lệ thuộc và không đẹp tẹo nào. Bạn có bao giờ gặp hai người bạn liên tục than phiền về nhau hay nói xấu sau lưng nhau, nhưng khi họ hợp lại thì mọi chuyện đều xem như tuyệt vời?
Sẽ có trường hợp họ có vài vấn đề nghiêm trọng về ranh giới như những người kia. Tình bạn giống như vậy cũng như nhà máy sản xuất không ngừng nghỉ các vấn đề. Tránh mặt đi thôi.
“Mẹ rất buồn khi con và chị không đến thăm mẹ. Con biết không, mẹ rất cô đơn.”
“Sao mẹ không đi ra ngoài thường xuyên hơn? Kết bạn với mọi người đi mẹ.”
“Ồ, mẹ đã cố rồi chứ. Không ai thich bà già như mẹ. Hai đứa là con của mẹ. Các con phải chăm sóc cho mẹ chứ.”
“Tụi con có mà.”’
“Không có đâu. Mẹ cô đơn một mình nhiều lắm. Các con đâu biết nhiều lúc nó khó khăn thế nào.”
“Mẹ, con thương mẹ và sẽ luôn bên cạnh khi mẹ cần con. Nhưng mẹ cũng phải chịu trách nhiệm với sự cô đơn của mình. Jennifer và con không phải là giải pháp duy nhất cho tất cả các vấn đề của mẹ.”
Tình huống cảm giác tội lỗi trong gia đình kiểu cũ. Tôi từng thích câu nói “Cảm giác tội lỗi là cảm xúc vô dụng.” Nhưng giờ tôi thật sự không tin vào đó nữa. Cảm giác tội lỗi quan trọng khi nó hợp pháp và khi mình tự áp đặt vào. Cảm giác tội lỗi trở nên có hại khi nó được sử dụng như công cụ điều khiển những người thân cận quanh mình. Cảm giác tội lỗi có thể rất đau đớn khi, không phải chỉ để yêu cầu trách nhiệm từ bạn cho cảm xúc không phải của bạn, mà nó còn ẩn ý đó là lỗi của bạn hay bạn là người xấu theo cách nào đó vì bạn không thực hiện điều đó. (Tất cả những người bạn Do Thái, khi đọc đến đây đều sẽ gật gù.)
Gần đây, không gì có thể làm tôi đáng ngại như khi một người cố tình làm tôi thấy tội lỗi. Tôi lập tức gọi họ ra để nói về việc đó và nếu tôi không hiểu rõ về họ, trong vài trường hợp sẽ chấm dứt mối quan hệ ngay và luôn.
Ví dụ cuối cùng. Đây sẽ là một cặp đôi đang yêu nhau:
“Nè, anh đang nghĩ về công việc mới mà em tìm kiếm. Anh đã làm lại CV cho em và anh sẽ bắt đầu gửi nó cho vài người ở phòng Nhân sự của anh.”
“Cảm ơn anh nhé, nhưng anh không cần phải làm vậy đâu.”
“Anh muốn làm vậy mà. Anh muốn em thành công. Anh cũng đang nghĩ đến việc chúng ta dọn đến ở chung, anh đã đi và xem xung quanh các căn hộ hôm nọ”
“Em nói với anh rồi, em chưa sẵn sàng cho việc đó.”
“Anh biết! Nhưng nó hợp lý mà. Và chúng ta cũng không còn trẻ nữa. Anh nghĩ chúng ta nên thử đi.”
“Tháng rồi anh thay hơn nửa tủ quần áo của em với đồ anh muốn em mặc. Bây giờ anh muốn em cùng làm việc với anh luôn à?”
“Nhưng anh yêu em, anh muốn chăm sóc em.”
“Em cũng yêu anh, nhưng anh phải để em làm theo cách của mình. Điều này không lành mạnh chút nào. Anh kiểm soát cuộc đời em mà không hỏi ý em trước.”
“Anh không thể tin được em ích kỷ đến thế. Anh làm TẤT CẢ MỌI THỨ cho em và bây giờ em đổ lỗi cho anh!”
“Nếu anh thực sự quan tâm em thì anh phải ngừng việc điều khiển cuộc sống của em và để em tự sống theo cách của mình.”
Đây là ví dụ về mối quan hệ đồng phụ thuộc từ khía cạnh khác – khía cạnh của người yêu bị ngộp thở và bị chiều chuộng quá mức. Ở ngoài mặt trông có vẻ rất đẹp đẽ. Bạn thậm chí có suy nghĩ, “Khiếp, tôi còn mong muốn người yêu làm thế cho tôi.”
Nhưng sự thật là nó cũng kém lành mạnh và sẽ dẫn đến cũng nhiều vấn đề như thế.
GHI CHÚ CUỐI CÙNG VỀ SỰ HY SINH
Trước khi tôi đi ra ngoài (Tôi nhận ra bài này cũng khá dài rồi và tôi cũng chưa tìm thấy chìa khóa nữa), tôi muốn viết một ghi chú nho nhỏ về mối quan hệ và sự hy sinh. Cuộc tranh luận nảy lửa đúng sai – hay là sự suy xét về tính hợp lý thật ra phụ thuộc vào góc nhìn của bạn — đó là đôi khi bạn phải hy sinh cho người mà bạn yêu. Cái này thì đúng.
Nếu người yêu của bạn vô lý yêu cầu bạn phải gọi cho họ mỗi ngày, thậm chí chỉ để nói chuyện trong vòng 3 phút, thì đôi khi cũng hợp lý để hy sinh chút ít để làm họ hạnh phúc.
Cốt lõi ở đây là nếu bạn hy sinh cho ai đó bạn quan tâm, nó phải vì bạn muốn như vậy, không phải vì bạn cảm giác có trách nhiệm hay vì bạn sợ hậu quả khi không làm việc đó. Nó sẽ quay lại điểm mấu chốt rằng hành động tình cảm hay hứng thú chỉ có giá trị khi nó được thực hiện mà không có bất kì mong đợi nào.
Vậy nếu bạn gọi người yêu mỗi ngày nhưng không thích chút nào và cảm giác như người yêu đang đe dọa sự tự do của mình và bạn tức giận người đó, và bạn sợ người ấy sẽ nổi giận đùng đùng nếu bạn không gọi, khi đó bạn đang có vấn đề về ranh giới. Nếu bạn làm việc đó bởi vì bạn yêu người ấy và không ngại ngần gì, vậy thì hãy làm.
Nó có thể khó nhận biết khi làm một việc là do trách nhiệm mình mặc định hay là do sự tự nguyện hy sinh. Nếu vậy hãy làm một bài kiểm tra và hỏi bản thân, “Nếu tôi ngừng làm việc này thì mối quan hệ sẽ thay đổi thế nào?”
Nếu bạn thật sự sợ việc thay đổi, đó là dấu hiệu xấu. Nếu hậu quả thật khó chịu nhưng bạn vẫn muốn ngừng thực hiện mà bản thân không cảm thấy khác biệt nhiều, đó là dấu hiệu tốt. Lý do là khi có vấn đề về ranh giới, bạn sẽ cảm thấy sợ sự mất mát trách nhiệm từ đôi bên. Nếu không có vấn đề về ranh giới, ví dụ, bạn đang làm một hành động xem như là một món quà cho đi mà không có bất kì mong đợi nào, khi đó bạn sẽ thấy ổn khi không phải làm việc đó.
Người có ranh giới cá nhân rõ ràng sẽ không sợ cơn phẫn nộ, cuộc cãi vã hay sợ tổn thương. Người có ranh giới không rõ ràng sẽ khiếp đảm với điều đó. Một người có ranh giới rõ ràng sẽ hiểu rằng, thật vô lý khi mong đợi hai người hỗ trợ cho nhau 100% và khỏa lấp mọi nhu cầu mà người kia cần.
Một người có ranh giới rõ ràng hiểu rằng, đôi khi họ có thể làm tổn thương cảm xúc của người kia, nhưng trên hết họ không thể quyết định người kia cảm nhận thế nào. Một người có ranh giới rõ ràng hiểu rằng một mối quan hệ lành mạnh là không kiểm soát cảm xúc của người khác, nhưng là hỗ trợ lẫn nhau trong việc phát triển và giúp đỡ trên con đường hướng đến nhu cầu tự hoàn thiện bản thân.
Dịch: Mãnh Kỳ
Nguồn: https://markmanson.net/boundaries