Trong cuộc sống, chúng ta hay gặp chuyện lạ đời. Chẳng hạn, cứ nhớ mãi câu chuyện thầy giáo kể nửa chừng là hết giờ, mối tình đầu chưa đâu vào đâu…
Chúng ta cũng nhớ lâu những câu nói ngập ngừng, nửa chừng hơn là một câu nói rõ ràng, rành mạch. Các nhà tâm lý học đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu và đi đến một kết luận là, con người ta dễ nhớ những gì dang dở hơn là cái đã hoàn toàn kết thúc.
Tình cũ khó quên
Ở đời, yêu nhau và lấy nhau không phải lúc nào cũng đi liền kề. Gia đình ngăn cản, hai người sống quá xa nhau, hiểu lầm nhau, hay vì nhiều lý do khách quan khác mà nhiều đôi yêu nhau say đắm không lấy được nhau. Mối tình ấy trở nên day dứt và khắc khoải. Không hiếm người mang nặng mối tình như vậy suốt cả cuộc đời, ngay cả khi mỗi người đã có vợ, hoặc đã có chồng. Nỗi lòng càng trở nên day dứt hơn khi mà một trong hai người, hoặc cả hai người gặp bất hạnh trong cuộc sống gia đình của mình.
Tâm lý chung của con người là khi không thoả mãn với hiện tại, người ta thường tìm về những kỷ niệm đẹp đẽ của quá khứ để trốn vào, để an ủi lòng mình. Nhiều phụ nữ thường ngầm so sánh chồng mình với người yêu cũ, và thấy chồng mình sao mà nhạt nhẽo, vô vị, khác hẳn “anh ấy” ngày xưa. Có những người đàn ông suy bì vợ mình với “người ấy”, và thường thì phần thắng hay thuộc về “người ấy”. Đây là hiện tượng tâm lý được gọi nôm na là hiện tượng “con cá bị mất là con cá to”. Hơn nữa trong tình yêu thì mối tình đầu bao giờ chẳng đẹp đẽ, lãng mạn. Nó sẽ lý thú hơn cuộc sống vợ chồng với bao nỗi vất vả nhọc nhằn, lo toan, cần ở cả hai người một sự nỗ lực lớn. Chính vì vậy mà khi gặp khổ đau, bất hạnh trong cuộc sống chồng vợ, nhiều người đã thở dài thốt lên “Giá mà…” với một sự nuối tiếc lớn khi nhớ lại tình xưa.
Con người ta thường nhớ lại những mối tình khi hai người yêu nhau nhưng còn chưa khám phá nhiều về nhau, ít ai nhớ những mối tình “no xôi chán chè” hay những mối tình “già nhân ngãi, non vợ chồng”. Người ta nhớ mãi lần tỏ tình đầu tiên khi cô gái ngập ngừng, không ra nhận lời cũng chưa hẳn từ chối. Ai nhớ làm gì sự chấp nhận rõ ràng hay lời từ chối thẳng thắn. Từ chối thẳng người ta sẽ bỏ đi ngay, nhận lời ngay thì làm người ta có cảm giác “hụt hẫng” và như trút tiếng thở phào: “Cũng dễ thôi, thế mà mình cứ tưởng…”.
Tại sao lại có hiện tượng nhớ lâu, nhớ khắc khoải những thứ còn đang dang dở, mà lại quên những thứ đã hoàn thành trọn vẹn? Các nhà khoa học cho rằng, khi ta đang suy nghĩ hay làm một việc gì đó, chúng ta huy động toàn bộ tâm sức của mình để hoàn thành, nghĩa là chúng ta đang ở tình trạng “báo động”. Tuy nhiên khi công việc xong, cơ thể như trút được gánh nặng và có tâm lý “xả hơi”, hệ thống trương lực của cơ thể như chùng lại. Đối với các công việc chưa làm xong, bao giờ trương lực vẫn còn và ở trong não, điểm hưng phấn của công việc chưa làm xong in dấu ấn không mất đi được, thành thử người ta khó quên. Có người suốt cả cuộc đời nhớ một câu dặn dò tắc nghẹn của người bạn khi chia ly, nhớ mãi một ước mơ không thành, một cuộc hẹn hò dang dở. Có người suốt đời không nguôi ngoai một điều mong ước chưa hoàn thành được.
Nói tiếp chuyện… dang dở
Có những người ghi vào sổ tay những việc cần làm, nhưng rồi anh ta lại quên nó. Bởi khi ghi vào sổ tay, anh ta đã yên tâm là sẽ không quên nó, thì nó lại bị lãng quên. Những số điện thoại của người quen, khi ta đã ghi vào sổ tay, hay lưu vào điện thoại di động, mỗi lần cần gọi lại giở sổ ra, hay tìm trong máy, chúng ta không bao giờ thuộc được. Nhưng chúng ta thường nhớ những số điện của người ta chưa ghi vào sổ. Có học sinh học thuộc lòng tất cả các câu hỏi thi, vậy mà đến lúc thi lại quên hết, hoặc rơi rụng đi, chẳng còn lại bao nhiêu. Trong trường hợp này, chính tâm trạng trút gánh nặng, tâm lý “thoát nợ” đã làm chúng ta quên đi những điều đã học.
Vậy khi biết hiện tượng tâm lý đặc biệt này, chúng ta phải làm gì? Trước hết khi làm việc, trao đổi với người khác, muốn để lại ấn tượng ghi nhớ cho đối phương, ta không nên thao thao bất tuyệt, nói hết những điều mình nghĩ, mình dự định. Cần vận dụng cách nói sao cho có đôi chỗ lấp lửng, đa nghĩa để người nghe phải đoán già, đoán non… như thế sẽ làm họ nhớ ta lâu hơn.
Trong học tập cũng đừng bao giờ tạo cho mình cảm giác thoả mãn, mà bao giờ cũng khát khao hiểu biết nhiều hơn. Nếu học hành không phải là một sự khát khao, mà chỉ là sự bắt buộc, để cho qua, thì sau khi thi xong, tất cả lại quên hết, đó là điều dễ hiểu. Khi dạy con cái học, cha mẹ đừng làm giúp con tuốt tuồn tuột, nó sẽ chẳng nhớ gì cả vì quá yên tâm là “đã hoàn thành”. Hãy gợi mở, chỉ dẫn nửa chừng, rồi dừng lại yêu cầu con… suy nghĩ và làm tiếp. Như vậy, nó sẽ nhớ lâu, nhớ sâu.
Có những chuyện sẽ đẹp mãi khi còn dang dở song cũng có những chuyện nếu không dang dở sẽ không hẳn là còn đẹp. Nếu họ không phải xa nhau hoặc họ được làm đến nơi đến chốn một công việc gì đó, không chắc đã có kết quả mỹ mãn. Thậm chí, khi ấy họ lại luôn nghĩ đến một điều còn dang dở khác.
Vì vậy, có những kỷ niệm đẹp cần được trân trọng và nhớ về nó như một liều thuốc xoa dịu những khó khăn chồng chất của cuộc sống, những vết thương của hiện tại. Nếu sống hết kỷ niệm, gặp lại người cũ, yêu tiếp và sống tiếp, hoặc làm tiếp việc cũ mà không còn giá trị trong hiện tại thì ta sẽ lấy gì để mà khắc khoải, để mà tiếc nuối và để có một ký ức đẹp mỗi khi nhớ đến ?
Chúng ta nhớ về quá khứ, tiếc những gì còn dang dở nhưng cũng cần nhớ rằng, thực tại đang cần chúng ta. Nếu chúng ta ngủ quên trong quá khứ, không bận tâm đến thực tại, nghĩa là trong tương lai chúng ta sẽ phải băn khoăn, trăn trở cho những gì đang diễn ra chưa được vẹn tròn.
Cuộc hôn nhân hiện tại có thể có nhiều điều không như mong đợi. Song nếu không nhìn thẳng vào thực tại, cùng cố gắng cải thiện nó, mà để đổ vỡ thì cầm chắc tương lai bạn sẽ dằn vặt mãi về cuộc hôn nhân dang dở với những hệ lụy đi kèm.
Hiệu ứng Zeigarnik
Năm 1927 nhà tâm lý học người Đức Zeigarnik đã làm một thí nghiệm như sau: Ông cho một nhóm học sinh làm 22 công việc khác nhau, có những việc các em đã làm xong, có những việc các em đang làm thì bị ngừng lại vì hết giờ. Sau đó, lại tiếp tục bắt đầu với một công việc mới chứ không làm tiếp công việc dở dang kia nữa. Sau đấy ông yêu cầu các em nhớ lại những công việc mình đã làm.
Kết quả cho thấy đại đa số các em nhớ những công việc mình làm dang dở bị đình lại. Họ không những nhớ nhanh mà còn nhớ chính xác đến từng chi tiết. Còn những việc đã hoàn thành mĩ mãn, các em nhớ ít hoặc nhớ sơ sài. Về sau, hiện tượng tâm lý này được gọi là “hiệu ứng Zeigarnik”.
-Nguồn: TLHTY-