Ở trường cấp 3, không có một khóa học nào dạy cách trở thành một người bạn trai / bạn gái tốt. Họ dạy chúng ta sinh học, dạy cách kết hôn đúng luật, và có thể đọc cho chúng ta một số chuyện tình mờ mịt từ thế kỷ 19 để răn dạy chúng ta (bối cảnh ở Mỹ).
Tuy nhiên, khi chúng ta thực sự bước vào những mối quan hệ, chúng ta không hề được hướng dẫn chút nào cả. Hoặc tệ hơn, chúng ta sẽ phải dựa vào những lời khuyên vớ vẩn trong các tờ tạp chí phụ nữ.
Ừ, những lần yêu đầu tiên sẽ là những lần thử-và-sai. Và nếu bạn thuộc số đông, thì bạn sẽ sai nhiều hơn.
Tuy nhiên, phần lớn những thói quen này thường được ‘củng cố’ thêm vào nền văn hóa của chúng ta. Chúng ta tôn thờ tình yêu lãng mạn – bạn biết đấy, cái thứ tình yêu chóng mặt, vô lý và lãng mạn đến mức những trò khóc lóc bi kịch – và đồng thời chúng ta cũng trêu chọc những thứ tình yêu thực tế và trái với thường lệ. Đàn ông và phụ nữ được nuôi dạy để nhận ra nhau và để nhận ra mối quan hệ giữa hai người. Thêm vào đó, chúng ta thường xem người yêu của mình như là những tài sản hơn là những người để chia sẻ những nỗi niềm.
Những lời khuyên trên các trang báo hoặc tạp chí thường cũng không hữu ích lắm (đàn ông và đàn bà không đến từ hai hành tinh khác nhau đâu, đừng để mình bị lừa!). Và, đối với đa phần chúng ta, chuyện tình của cha mẹ cũng không phải là một ví dụ tốt đẹp tí nào cả.
Thật may mắn rằng trong những thập kỷ qua, những nhà tâm lý học vẫn đang nghiên cứu về những mối quan hệ lành mạnh và hạnh phúc, và họ đã đưa ra những quy luật khái quát thường xuyên xuất hiện vào những lúc mọi người không để ý đến hoặc cố tình không theo. Trên thực tế, một số quy tắc này thì lại đi ngược với những quan niệm cổ về tình yêu thông thường hay lãng mạn của cộng đồng.
Dưới đây là sáu trong số những khuynh hướng có-vẻ-bình-thường-nhưng-thực-ra-lại-rất-độc-hại mà các cặp đôi thường mắc phải. Các thói quen này sẽ phá hủy những mối quan hệ của bạn. Hãy chú ý nhé:
Nội dung bài viết [Hiển thị]
1. TRÒ CHƠI GHI ĐIỂM ĂN THUA
Nghĩa là thế nào? Có nghĩa rằng người mà bạn đang hẹn hò thường xuyên trách móc bạn vì những lỗi lầm mà bạn lỡ mắc phải trong quá khứ hẹn hò của hai người. Nếu cả hai đều đang chơi “trò ghi điểm ăn thua” này khi đang yêu nhau, tình yêu của cả hai sẽ trở thành một cuộc chiến, cố gắng cãi nhau để xem xem ai sẽ là người mắc nhiều sai lầm nhất trong thời gian yêu nhau, và người nào ‘mắc nợ’ người kia nhiều hơn sẽ thua.
Này nhé, bạn đã là một thằng khốn trong bữa tiệc sinh nhật lần 28 của Cynthia vào năm 2010 và nó đã trở thành một thứ bùa ám cả cuộc đời bạn từ lúc đó đến giờ. Vì sao ư? Vì từ đó đến nay, chưa bao giờ bạn trải qua một tuần yên bình, không bị chì chiết về cái ngày đó cả. Nhưng không sao cả, vì nhờ vào lần bạn thấy bạn gái mình nhắn tin tán tỉnh cho đồng nghiệp của cô ấy, bạn đã ngay lập tức ‘vô hiệu hóa’ quyền chì chiết của cô ấy rồi. Không ai được phép ghen nữa, vì thế nó cũng khá công bằng, đúng không?
Sai rồi.
Vậy nó độc hại ở chỗ nào? Trò ghi điểm này sẽ phát triển theo thời gian, vì mỗi lần một trong hai người (hoặc cả hai) lợi dụng những lỗi lầm trong quá khứ của người kia để giành lại sự công bằng của mình. Đây là một trò chơi tồi tệ gấp đôi cho cả hai. Khi chơi trò này, bạn không những đang tự làm cho vấn đề trở nên nặng nề, mà bạn còn đang ‘đổ thêm dầu vào lửa’ cho những lỗi lầm và cay đắng trong quá khứ để điều khiển cảm xúc của người yêu mình, khiến họ luôn cảm thấy tội lỗi.
Nếu điều này kéo dài, cả hai người cuối cùng sẽ lại dành rất nhiều thời gian để chứng minh rằng họ ít đáng bị khiển trách hơn người còn lại, thay vì cố gắng giải quyết vấn đề chung – Tức là cả hai sẽ cố gắng chứng minh rằng mình ít sai hơn, thay vì cố gắng trở nên đàng hoàng hơn vì nhau.
Thay vào đó, điều bạn nên làm là: Đối mặt với các vấn đề một cách độc lập, trừ trường hợp chúng hoàn toàn có mối liên hệ với nhau. Nếu một trong hai người có thói quen dối trá thì đương nhiên rằng việc này là một việc mang tính tuần hoàn. Tuy nhiên, nếu việc cô ấy làm bạn thấy xấu hổ vào năm 2010 và việc cô ấy giận dỗi bạn ngày hôm nay – năm 2014 – không liên quan gì với nhau cả thì đừng lôi chuyện này lên lại.
Bạn phải hiểu rằng bằng cách chấp nhận người yêu của bạn, bạn cũng đang chấp nhận tất cả những hành động và hành vi trước đây của họ. Nếu bạn không chịu nổi chúng, thì cuối cùng, bạn vẫn sẽ không chịu nổi chúng. Nếu một điều gì đó đã làm bạn phiền lòng đến mức đấy trong quá khứ, thì bạn nên giải quyết đường hoàng nó trong quá khứ, đừng để nó kéo dài đến bây giờ.
2. GIẬN LẪY MÀ KHÔNG NÓI LÝ DO
Nghĩa là thế nào? Nghĩa là, thay vì nói thẳng ý muốn hay suy nghĩ của mình thì người yêu của bạn lại cố gắng thúc bạn phải tự hiểu lấy những gì họ muốn. Thay vì nói thẳng ra những điều đang thực sự làm bạn tức giận, bạn lại tìm những cách nhỏ mọn để chọc điên người yêu của bạn lên, chỉ để cảm thấy rằng mình có lý khi than phiền về họ.
Thế nó độc hại ở chỗ nào? Bởi vì nó sẽ cho thấy rằng hai người hoàn toàn không thoải mái trong việc nói chuyện với nhau đường hoàng. Không có lý do gì mà một người lại phải ức chế về người yêu, nếu cả hai luôn cảm thấy an toàn trong việc diễn tả tất cả những điều làm họ bực bội hay không an toàn trong mối quan hệ giữa họ. Một người sẽ không bao giờ có lý do để giận lẫy nếu họ biết rằng họ sẽ không bị đánh giá hay chỉ trích khi nói ra những điều họ nghĩ.
Thay vào đó, điều bạn nên làm là: Nói thẳng ra những suy nghĩ và đề nghị của mình. Và hãy nói rõ rằng người yêu của bạn không cần phải chịu trách nhiệm tuân theo chúng, nhưng bạn sẽ rất vui nếu bạn được họ ủng hộ. Nếu họ yêu bạn, họ sẽ luôn tìm cách làm hài lòng bạn.
3. GIỮ MỐI QUAN HỆ CỦA HAI BẠN NHƯ MỘT CON TIN
Có nghĩa là: Khi một người có một lời trách móc hay than phiền, và hâm dọa người còn lại bằng cách đe dọa chia tay. Ví dụ, nếu người yêu của bạn có cảm giác rằng bạn đang lạnh lung với họ, thì thay vì nói thẳng rằng “Em thấy anh đôi khi bỗng nhiên lại lạnh lùng với em quá”, thì họ sẽ nói rằng “Em không thể yêu một người cứ mãi lạnh lùng với em như thế này được”.
Điều này độc hại, vì: Chính những vụ hâm dọa này sẽ gây ra hàng tá bi kịch không cần thiết cho tình yêu của hai bạn. Mọi vụ trục trặc nhỏ trong tình yêu có thể dẫn đến hậu quả dễ dàng trông thấy được – đe dọa chia tay. Điều cần nhất đối với hai người yêu nhau là việc thấu hiểu được những suy nghĩ và tình cảm tiêu cực của nhau mà không phải đe dọa gây tổn hại đến mối quan hệ của chính mình, nếu không, cả hai sẽ luôn luôn kìm nén những suy nghĩ của mình, điều mà cuối cùng sẽ dẫn đến việc hình thành một môi trường tình yêu chỉ toàn sự thiếu tin tưởng và điều khiển lẫn nhau.
Thay vào đó, điều bạn nên làm là: Thực ra thì giận dỗi hay không thích điều gì đó ở người yêu của bạn là chuyện bình thường. Tuy nhiên, hãy hiểu rằng việc cống hiến tình yêu cho ai đó và việc luôn luôn yêu thích một ai đó thì hoàn toàn khác nhau. Một người có thể luôn hi sinh mọi thứ cho người yêu của mình mà không hề thích điều gì ở người yêu; một người có thể luôn yêu ai đó, và thi thoảng lại bị làm phiền hay nổi giận vì một điều gì đó ở người họ yêu. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ khi nào hai người có thể hiểu nhau và nhận những lời hồi đáp, chỉ trích từ nhau mà vẫn không đánh giá nhau hay đe dọa nhau thì họ mới có thể làm cho tình yêu của mình mạnh mẽ hơn về lâu dài.
4. ĐỔ LỖI CHO NGƯỜI YÊU VÌ TÂM TRẠNG CỦA BẠN.
Có nghĩa là: Ví dụ bạn đang có một ngày rất tồi tệ, và người yêu bạn không hoàn toàn hiểu hay ủng hộ bạn vào lúc đó. Họ bận nghe điện thoại của ai đó ở nơi làm việc cả ngày. Họ bị phân tâm khi bạn ôm họ. Bạn chỉ muốn nằm ở nhà và xem phim với họ, trong khi họ đã lên kế hoạch sẽ đi ra ngoài và gặp bạn bè.
Vì thế, bạn trở nên kích động vì họ đột nhiên trở nên vô cảm và nhẫn tâm đối với bạn. Bạn đang có một ngày rất tệ hại nhưng họ không thèm đếm xỉa gì đến bạn. Ừ thì bạn chưa bao giờ đòi hỏi họ phải làm thế, nhưng ít ra họ cũng phải tự biết chứ! Bạn nghĩ, đáng nhẽ họ đã phải ngừng nghe điện thoại và bỏ các kế hoạch của họ chỉ vì tâm trạng tồi tệ của bạn.
Điều này độc hại, vì: Đổ lỗi cho người yêu vì tâm trạng của mình là một hình thức đơn giản của sự ích kỷ, và đồng thời đây cũng là một ví dụ điển hình của khả năng giữ bình tĩnh kém. Khi bạn đã đặt ra một tiền lệ rằng người yêu sẽ phải chịu trách nhiệm về bạn mọi lúc mọi nơi (và ngược lại), bạn sẽ tự tạo ra một xu hướng dựa dẫm vào người yêu. Đột nhiên, một lúc nào đó, họ không thể lên kế hoạch mà không kiểm tra trước với bạn, và vì thế, mọi hoạt động tại nhà – kể cả những việc nhỏ nhặt như đọc sách hay xem TV chung – đều cần phải thương lượng lại với nhau. Khi một trong hai người đột nhiên buồn bã, mọi khát khao được ở bên nhau bỗng dưng biến mất, vì trước mắt bây giờ tất cả còn lại chỉ là trách nhiệm của bạn để giúp người kia cảm thấy ổn hơn.
Vấn đề lớn nhất của việc hình thành xu hướng dựa dẫm này là: chúng sẽ sinh ra sự phẫn uất. Ừ thì tôi sẽ hiểu điều này nếu người yêu của tôi giận tôi một lần vì cô ấy đã có một ngày tồi tệ, cô ấy mệt mỏi và cần được sự quan tâm. Tuy nhiên, nếu điều này trở thành một sự kỳ vọng của cô ấy, rằng cuộc đời của tôi chỉ xoay quanh sự ổn định của tâm lý cô ấy, tôi sẽ sớm trở nên khá cay đắng và phụ thuộc vào cảm xúc của cô ấy.
Điều bạn cần làm là: Hãy chịu trách nhiệm cho chính cảm xúc của mình, và hãy trông chờ người yêu của mình tự chịu trách nhiệm về họ. Có một điểm khác nhau – tuy nhỏ nhưng quan trọng – giữa việc ủng hộ người yêu và luôn luôn nghe lời người yêu. Bạn nên hy sinh một cách tự nguyện, chứ không phải hy sinh vì bạn được kỳ vọng phải làm thế. Khi cả hai người đều chịu trách nhiệm cho những cơn tuột cảm xúc của nhau, họ sẽ tự có động lực để giấu đi những cơn sầu muộn của mình và vực dậy tâm trạng của nhau lên.
5. GHEN
Có nghĩa là: Giận dỗi khi người yêu của bạn nói chuyện, tán tỉnh, đụng chạm, gọi điện, nhắn tin, đi chơi hay thậm chí, hắt xì trong phạm vi thân thiện với một người khác; sau đó, bạn bắt đầu trút giận lên người yêu và tìm cách kiểm soát hành vi của họ. Điều này sẽ dẫn đến những cách hành xử điên khùng như là xâm nhập vào email của người yêu, xem qua tin nhắn của họ khi họ đang tắm, hay thậm chí theo đuôi họ và xuất hiện không báo trước.
Điều này độc hại vì: Tôi đã rất ngạc nhiên khi nhiều người cho rằng việc này chỉ là cách mà một số người bày tỏ tình yêu. Họ đoán rằng nếu người yêu của họ không yêu họ, người ta sẽ không ghen.
Điều này, đối với tôi, chỉ là biểu hiện của sự điên khùng. Việc điều khiển người yêu như thế chỉ biểu lộ sự độc tài. Nó sẽ gây ra những cuộc cãi nhau không cần thiết. Nó sẽ cho thấy hai người đang không tin nhau, và thực tình thì nó sẽ gây tổn hại đến tình cảm cả hai. Nếu bạn gái của tôi không thể tin tưởng tôi khi tôi đang ở bên những cô gái khác, thì tôi sẽ hiểu điều này như sau. Một là, cô ấy cho rằng tôi là người dối trá, hai là, cô ấy cho rằng tôi không thể điều khiển ham muốn của mình. Trong bất cứ trường hợp nào, cô ấy sẽ không bao giờ là người mà tôi muốn yêu.
Điều bạn nên làm: Tin tưởng người yêu bạn. Nó là một ý tưởng khá căn bản, tôi biết. Ghen một chút thì bình thường. Nhưng ghen một cách quá đáng và điều khiển người yêu của mình chỉ là cách bạn cho thấy rằng bạn đang cảm thấy không xứng đáng. Bạn nên tự điều khiển chúng, chứ đừng áp đặt nó lên những người quanh bạn. Bởi vì nếu không, bạn sẽ chỉ đẩy xa người ta ra thôi.
6. BỎ TIỀN RA MUA GIẢI PHÁP CHO NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CẢ HAI.
Có nghĩa là: Mỗi khi hai người cãi nhau, thay vì giải quyết chúng, thì một trong hai người sẽ che đậy điều này bằng cảm xúc hào hứng hay vui tươi đến từ việc mua một món đồ mới hay cùng đi du lịch đâu đó.
Cha mẹ tôi là chuyên gia trong lĩnh vực này, và nó đã đẩy họ đi quá xa: một cuộc ly dị xấu xí và 15 năm không thèm nói chuyện với nhau. Họ đã luôn nói với tôi rằng đây là vấn đề của cuộc hôn nhân giữa hai người: họ tìm cách che đậy những vấn đề của mình bằng sự thỏa mãn vật chất thông thường.
Điều này tệ hai vì: Nó không chỉ che giấu vấn đề giữa hai người, mà còn tạo ra một tiền lệ không lành mạnh trong mối quan hệ này nữa. Đây không phải là một vấn đề liên quan đến giới tính, nhưng tôi sẽ đưa ra một ví dụ về giới tính cho bạn dễ hiểu. Hãy tưởng tượng rằng mỗi khi người vợ nổi giận về chồng hoặc người yêu của họ, người đàn ông sẽ ‘giải quyết’ việc này bằng cách mua cho cô ấy một món quà, hay đưa cô ấy đi nhà hàng, hay điều gì đó. Điều này không những tạo cho cô ấy một động cơ vô thức để bớt tin tưởng anh ta, mà còn không cho người đàn ông một động cơ nào để thực sự đối mặt với vấn đề. Vậy thì cuối cùng sẽ là gì? Một người chồng luôn cảm thấy mình như một cây ATM, và một người vợ luôn cảm thấy không được lắng nghe.
Vậy bạn nên làm gì? Thực ra, bạn biết không, hãy đối diện với vấn đề. Niềm tin bị phá vỡ ư? Hãy nói về niềm tin và cách tạo dựng lại nó. Một ai đó bị lờ đi hay bị đánh giá thấp? Hãy nói về cách sẽ làm cho họ cảm thấy được trân trọng. Hãy nói chuyện với nhau!
Thực ra, không có gì sai trong việc làm một chuyện gì đó tốt đẹp cho người yêu của mình sau một cuộc cãi nhau. Tuy nhiên, một người không bao giờ được dùng một món quà hay một điều xa xỉ để thay thế những rắc rối ở sâu bên trong. Những món quà và những chuyến du lịch được gọi là thứ xa xỉ vì bạn chỉ có thể tận hưởng chúng khi mọi thứ đều đang tốt đẹp. Nếu bạn dùng chúng để che giấu bản chất sự việc, bạn sẽ thấy mình ở trong một rắc rối khác lớn hơn.
Gyps
Dịch từ: 6 Relationship Habits That Are Toxic (http://markmanson.net/6-healthy-habit)
Về tác giả:
Mark là một cây bút chuyên viết về các chủ đề tâm lý. Anh có nhiều bài viết chất lượng cho các trang tin hàng đầu như Huffington Post,CNN Travel, Forbes, và Good Men Project. Anh chán ghét lối viết truyền thống “Tôi là chuyên gia, bạn là người có vấn đề. Làm như thế này để sửa lỗi đi” và dùng cách viết “Tôi cũng như bạn, cũng mắc đầy lỗi. Mỗi khi gặp sự cố, tôi làm thế này này, bạn áp dụng thử xem có hiệu quả không. Vẫn không hiệu quả? Kệ m* nó đi”. Lối viết này của anh khiến mọi người rất thích thú và luôn hào hứng đón đọc bài viết mới của anh.