Khi bạn yêu một người mà họ không yêu bạn, cả thế giới như sụp đổ. Nỗi đau mà bạn trải qua là rất thật. Khoa học đã chứng minh: bị từ chối tình cảm sẽ kích hoạt các nơ-ron cảm nhận nỗi đau ở não giống hệt như lúc cơ thể bị thương. Bạn không thể kiểm soát cảm xúc của mình, nhưng bạn có thể học cách vượt qua nỗi đau này và tiếp tục sống.
Nội dung bài viết [Hiển thị]
PHẦN 1: DÀNH CHO BẢN THÂN CHÚT KHÔNG GIAN
1. Đau khổ là chuyện bình thường. Khi bạn yêu ai đó đơn phương, bạn sẽ thấy đau khổ. “Trái tim tan vỡ” là một nỗi đau thật sự: nỗi đau này kích hoạt hệ thần kinh phó giao cảm, nơi có nhiệm vụ điều hòa nhịp tim và sự căng cơ. Đau khổ là phản ứng tự nhiên khi người bạn yêu không đáp lại tình cảm của bạn. Chấp nhận điều này sẽ giúp bạn biết cách đối phó với nỗi đau.
- Bị từ chối tình cảm sẽ thực sự gây ra những phản ứng trong não giống như lúc bạn cai nghiện.
- Các nhà tâm lý học ước tính có khoảng 98% trong số chúng ta từng yêu đơn phương. Biết rằng mình không cô đơn có thể không giúp bạn hết buồn, nhưng bạn cũng sẽ dễ chịu hơn phần nào khi biết mình không phải là người duy nhất phải vượt qua chuyện này.
- Bị khước từ tình cảm cũng có thể gây ra chứng trầm cảm. Nếu bạn nhận thấy mình có một trong những dấu hiệu sau, hãy tìm đến bác sĩ tâm lý ngay:
- Thay đổi thói quen ăn uống hoặc giấc ngủ
- Cảm thất vô vọng và bất lực
- Thay đổi tâm trạng thất thường
- Không kiểm soát được những suy nghĩ tiêu cực
- Có suy nghĩ tự làm hại bản thân
2. Cho phép bản thân được đau khổ. Cảm thấy đau khổ không có gì là sai trái, miễn là bạn đừng mắc kẹt với nó mãi. Thực tế, sẽ tốt cho bạn hơn nếu bạn cứ để mình buồn thay vì cố kìm nén cảm xúc. Phủ định hoặc đè nén cảm xúc, ví dụ như bằng cách nói “Có gì to tát đâu” hoặc “Mình cũng chẳng yêu cô ấy” – về lâu dài, sẽ khiến tình hình càng trở nên tồi tệ.
- Nếu có thể, hãy dành thời gian để gặm nhấm nỗi buồn. Việc này sẽ giúp bạn có thời gian để chữa lành vết thương lòng. Ví dụ: khi bạn nhận ra (hoặc ai đó nói với bạn) rằng người kia không có tình cảm với bạn, bạn nên tìm một chỗ để ở một mình trong chốc lát, dù chỉ là 15 phút đi lại trong công ty.
- Tuy nhiên, bạn không nên chìm đắm trong đau khổ. Nếu đã hàng tuần bạn không ra khỏi nhà, không tắm rửa và chỉ mặc một chiếc áo cũ mèm, bạn đã đi quá xa. Buồn là chuyện bình thường, nhưng nếu bạn không cố gắng trở lại với cuộc sống thường nhật, bạn sẽ mãi chìm trong những suy nghĩ và tình cảm dành cho người ấy.
3. Nhận ra mình không thể điều khiển được người đó. Có thể phản ứng đầu tiên của bạn khi biết ai đó không yêu mình là suy nghĩ: “Mình sẽ khiến người đó phải yêu mình!”. Kiểu suy nghĩ này là bình thường nhưng nó không đúng và cũng không có ích gì cả. Thứ duy nhất trên đời bạn điều khiển được là hành động của bản thân. Bạn không thể thuyết phục, tranh cãi hoặc ép buộc tình cảm của người khác.
- Bạn cũng nên nhớ rằng: không phải lúc nào bạn cũng có thể điều khiển được cảm xúc của mình. Nhưng bạn có thể cố gắng kiểm soát cách mình phản ứng với cảm xúc đó.
4. Hãy tránh xa người đó một thời gian. Một phần trong việc tự tạo ra không gian cho mình rồi vượt qua nỗi đau chính là: đừng để họ hiện diện lúc này. Bạn không cần phải đẩy họ ra khỏi cuộc sống của bạn mãi mãi, nhưng bạn cần phải tránh xa họ một thời gian.
- Bạn không cần phải tỏ ra khó chịu hoặc tức tối. Chỉ cần nói người đó cho bạn thời gian để vượt qua những cảm giác này. Nếu người đó thật sự quan tâm đến bạn, họ sẽ cho bạn thứ bạn cần, dù đó không phải là những trải nghiệm thú vị cho lắm.
- Nếu người mà bạn muốn ngừng yêu đơn phương là người mà bạn từng dựa dẫm nhiều về mặt cảm xúc, bạn nên tìm một người bạn khác để thay thế vị trí đó. Hãy hỏi một người bạn xem liệu bạn có thể tìm tới họ mỗi khi bạn cảm thấy muốn liên lạc với người kia không.
- Hủy kết bạn với người đó trên các mạng xã hội, hoặc ít nhất, hãy ẩn những bài viết của họ. Hãy xóa số của người đó ra khỏi điện thoại để bạn không có ý định liên lạc lại nữa. Bạn sẽ không muốn lúc nào cũng bị gợi nhớ tới người đó, cũng như phải nhìn thấy những gì họ làm. Việc đó sẽ chỉ càng khiến việc rời xa họ trở nên khó khăn hơn.
5. Thừa nhận cảm xúc của mình. Thể hiện cảm xúc ra sẽ tốt hơn là kìm nén chúng và để một ngày chúng bùng nổ. Việc đó sẽ giúp bạn chấp nhận việc mình đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Khi bắt đầu trải qua cảm giác mất mát hoặc thất vọng, bạn sẽ thấy có đôi chút khó chịu, và việc đó là bình thường. Đừng tự trách mình hoặc cố lờ những cảm giác đó đi rồi hy vọng chúng sẽ tự biến mất. Hãy cứ thể hiện chúng một cách thoải mái và thật lòng.
- Cứ khóc nếu bạn muốn. Khóc cũng là một phương pháp trị liệu. Nó sẽ làm giảm cảm giác lo âu và tức giận, ngoài ra, nó còn giúp cơ thể bạn giảm căng thẳng. Nếu muốn, bạn có thể lấy một hộp giấy và khóc thoải mái, cứ thử mà xem.
- Tránh thực hiện những hành động bạo lực như la hét, đánh đấm hoặc đập phá đồ đạc. Có thể ban đầu khi làm thế, bạn sẽ cảm thấy khá hơn, nhưng các nghiên cứu khoa học cho thấy: sử dụng bạo lực để thể hiện sự giận dữ – ngay cả khi bạn trút giận vào đồ đạc vô tri – sẽ càng làm cơn giận tăng lên. Ngẫm nghĩ và phân tích vì sao bạn cảm thấy như thế sẽ lành mạnh và có lợi hơn nhiều.
- Thể hiện cảm xúc của mình qua những hoạt động nghệ thuật như âm nhạc, hội họa hoặc một sở thích nào đó. Việc này rất có ích. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên tránh những loại hình nghệ thuật có chứa các cảm xúc buồn bã hoặc giận dữ như nhạc death metal. Khi bạn đang đau khổ, những thể loại nghệ thuật như vậy có thể khiến bạn còn cảm thấy tệ hơn.
6. Nhận ra rằng tốt hơn hết, bạn không cần họ. Dù người đó có tuyệt vời tới đâu, nếu họ đã không yêu bạn thì dù có được ở bên họ, bạn cũng sẽ không hạnh phúc. Khi rất yêu một người, bạn sẽ thường lí tưởng hóa người đó. Hãy nhìn nhận lại thực tế – đừng giận dữ hoặc xét nét – sẽ giúp bạn vượt qua cảm giác đau khổ vì tình yêu không được đáp lại.
- Nghĩ về những tính cách có khả năng gây ra bất hòa trong mối quan hệ của người đó.
- Ví dụ: Có thể do sợ giao tiếp xã hội, họ sẽ không thể thừa nhận mối quan hệ của hai bạn trong khi bạn lại cần điều đó.
- Các nghiên cứu cho thấy: nhận ra những điểm xấu của người kia sẽ khiến bạn vượt qua nỗi đau bị từ chối tình cảm nhanh hơn.
- Tuy nhiên, đừng sa đà vào việc đi kể xấu người đó để cảm thấy bản thân mình tốt hơn. Sau này, kiểu suy nghĩ như vậy sẽ khiến bạn càng cảm thấy cay đắng và giận dữ hơn là giúp bạn bình tâm lại.
- Dù bạn có tin hay không, việc bị từ chối tình cảm sẽ tạm thời làm bạn kém thông minh đi một chút. Nếu bạn cảm thấy khó mà giải thích được cảm xúc của mình một cách hợp lý, hãy chấp nhận rằng bạn cần một chút thời gian để trở lại “bình thường.”
7. Tránh việc trách móc đối phương. Cũng như việc bạn không thể điểu khiển được tình cảm của mình dành cho họ, người đó cũng không thể ép buộc tình cảm của họ dành cho bạn. Nếu bạn cứ trách móc người đó vì họ chỉ coi bạn như bạn bè, hoặc nghĩ rằng người đó thật tệ vì đã không yêu mình, bạn đang rất bất công với họ. Việc cứ đay nghiến nỗi đau sẽ càng khiến bạn lâu bình tâm hơn.
- Bạn vẫn có thể buồn phiền vì người đó mà không cần phải trách móc họ. Bạn cũng đừng để bạn bè của mình làm như thế. Bạn bè có thể sẽ chê bai người kia vì đã không yêu bạn. Nếu việc này xảy ra, hãy cảm ơn họ vì đã ủng hộ bạn, nhưng hãy nói rằng: “trách móc người đó vì một việc nằm ngoài tầm kiểm soát của họ là không công bằng. Hãy làm thế nào để giúp tớ quên người đó đi.”
8. Vứt bỏ hết vật kỷ niệm. Bạn có thể khóc lúc phải bỏ chúng đi, nhưng đây là một bước quan trọng của quá trình phục hồi tâm lý. Để lại những vật kỷ niệm xung quanh sẽ chỉ làm bạn khó lòng vượt qua chuyện này hơn, và đó không phải là những gì bạn muốn!
- Với mỗi một vật kỷ niệm, hãy nghĩ tới những ký ức gắn với chúng, rồi tưởng tượng rằng bạn đang buộc chúng vào quả bóng bay. Khi bạn bỏ chúng đi, hãy tưởng tượng quả bóng đang bay lên trời và bạn sẽ không bao giờ còn nhìn thấy nữa.
- Nếu những thứ đó còn tốt, hãy xem xét việc tặng chúng cho một cửa hàng đồ cũ hoặc các điểm tạm trú cho người vô gia cư. Hãy nghĩ tới những kỷ niệm mới mà chiếc áo, chú gấu bông hay đĩa CD cũ của bạn có thể mang tới cho người chủ mới. Hành động đúng đắn này sẽ đánh dấu sự thay đổi lớn trong đời mà bạn đang trải qua.
PHẦN 2: ÁP DỤNG BIỆN PHÁP NGẮN HẠN
1. Tránh say xỉn và gọi điện hoặc nhắn tin cho người kia. Đặc biệt vào giai đoạn đầu, bạn có thể cảm thấy vô cùng mong muốn được liên lạc với người đó. Khi bạn tỉnh táo, ý chí của bạn có thể đủ mạnh để giúp bạn vượt qua điều này, nhưng ai cũng biết là rượu bia sẽ làm bạn quyết định sai lầm. Say xỉn và nhiếc móc người kia vì không yêu bạn, hoặc khóc lóc kể khổ với người ta có thể sẽ khiến bạn xấu hổ và làm người kia khó chịu. Ngoài ra, làm như vậy còn khiến bạn khó có thể trở thành bạn bè với họ sau này. Nếu bạn nghĩ rằng bạn có nguy cơ làm những chuyện đáng tiếc như vậy, hãy nhờ bạn bè giúp đỡ.
- Đưa điện thoại cho bạn bè (tốt nhất là một người bạn không uống rượu) và dặn họ không được đưa nó lại cho bạn, dù bạn có kiếm cớ hay năn nỉ trong lúc say xỉn cỡ nào đi nữa.
- Xóa số người đó khỏi điện thoại của bạn. Như vậy, bạn sẽ không có cách nào để gọi điện hoặc nhắn tin cho người kia nữa.
2. Đánh lạc hướng bản thân. Việc hoàn toàn không nghĩ tới một điều gì đó là bất khả thi, nhưng bạn có thể hướng suy nghĩ của mình về một điều khác mỗi khi bạn thấy mình luẩn quẩn trong cảm xúc. Khi những ký ức hiện về, hãy đánh lạc hướng bản thân bằng một suy nghĩ, hoạt động hoặc dự án khác.
- Hãy gọi điện cho một người bạn. Đọc một cuốn sách hay. Xem một bộ phim hài hước. Tạo ra một thứ gì đó. Làm vườn. Trang trí. Tìm một việc gì đó thu hút bạn đủ lâu để tạm quên người kia đi một lúc. Bạn càng quen với việc ngừng nghĩ về người kia thì việc vượt qua họ càng dễ dàng.
- Dành ra một khoảng thời gian nhất định chỉ để nghĩ về người đó cũng là một mẹo hay. Đừng dành quá nhiều thời gian cho những việc này, khoảng 10 đến 15 phút là đủ. Khi bạn thấy mình lại bắt đầu suy nghĩ về người đó, bạn có thể tự nhủ rằng: “Không phải bây giờ. Mình sẽ suy nghĩ chuyện này sau.” Và khi thời điểm đó đến, bạn có thể nghĩ về người đó. Khi hết giờ, hãy nghĩ về chuyện khác và làm những việc khác.
3. Hãy nhớ rằng việc không thể đáp lại tình cảm của bạn cũng khiến người kia đau lòng. Có thể bạn sẽ cảm thấy thế giới này chỉ toàn là đau khổ khi bị từ chối. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy: người từ chối tình yêu của bạn cũng có thể cảm thấy rất buồn. Phần lớn mọi người đều không thích làm đau người khác.[28]
- Khi bạn biết rằng người đó cũng cảm thấy rất tệ vì không thể đáp lại tình cảm của mình, bạn có thể có một cái nhìn khác về chuyện này. Thông thường, một người không yêu bạn không phải vì họ là người xấu, họ ghét bỏ bạn hay muốn làm bạn đau lòng.
4. Lên danh sách những điểm tốt ở bản thân. Khi bị từ chối, bạn có thể sẽ tin rằng “cái tôi cay nghiệt” trong mình đã đúng. Đừng để bản thân tin rằng: mình không xứng đáng được yêu thương chỉ vì một người đã từ chối mình. Các nghiên cứu cho thấy: khi bạn tự nhắc nhở rằng mình xứng đáng được yêu thương, bạn sẽ dễ dàng vượt qua việc bị từ chối lúc này cũng như những chuyện tương tự về sau.
- Ghi lại tất cả những điều tuyệt vời về bản thân mà bạn có thể nghĩ ra. Nếu bạn không nghĩ được, hãy nhờ bạn bè giúp đỡ.
- Hãy thể hiện rằng bạn yêu bản thân vì những điều đó. Ví dụ: “có thể lúc này mình không mạnh mẽ, nhưng mình rất giỏi trượt pa-tanh và mình tự hào về điều đó.”
PHẦN 3: BẮT ĐẦU HỒI PHỤC
1. Tránh những thứ gợi nhớ đến chuyện cũ. Nếu bạn luôn tự nhắc mình nhớ tới người kia, bạn sẽ rất khó vượt qua chuyện tình cảm đơn phương này. Đừng tìm nghe những bài hát hoặc đi đến những địa điểm gợi nhớ tới những lúc hai bạn vui vẻ bên nhau.
- Những thứ gợi nhớ đến chuyện cũ có thể là bất kỳ thứ gì. Từ một bức ảnh của người đó trên Facebook tới một bài hát có liên quan tới họ. Cũng có thể đó là một mùi hương (ví dụ như mùi bánh táo, vì đã có lúc bạn và người kia đã từng thi làm bánh táo với nhau chẳng hạn).
- Nếu bạn vô tình bắt gặp một thứ gì đó như thế, hãy ghi nhận điều đó và cố gắng vượt qua. Đừng bám vào cảm xúc mà nó mang lại. Ví dụ: nếu bạn nghe được một bài hát khiến bạn nhớ tới người kia, hãy tắt nó đi hoặc chuyển qua bài khác. Thừa nhận cảm xúc buồn bã và tiếc nuối mà bạn đang có, rồi hướng sự chú ý tới những việc vui vẻ hơn (tối nay bạn ăn gì hoặc kế hoạch cho chuyến đi chơi sắp tới).
- Hãy nhớ là bạn không cần phải trốn tránh chúng mãi mãi. Bạn đang muốn việc vượt qua nỗi đau trở nên dễ dàng hơn và việc gợi nhớ quá khứ sẽ làm mọi thứ khó khăn hơn. Khi bạn đã vượt qua được rồi, đôi khi những kỉ niệm vẫn tràn về nhưng sẽ khiến bạn đỡ đau lòng hơn.
2. Tâm sự với ai đó. Tốt nhất là trút hết những gánh nặng cũng như cảm xúc trong quá trình bạn phục hồi tâm lý. Nếu bạn cứ níu giữ những cảm xúc đó, sau này bạn sẽ cảm thấy khó bày tỏ chúng hơn nhiều. Hãy tìm một người để kể ra mọi tâm trạng và những gì bạn đang trải qua.
- Hãy tìm đến một người đáng tin cậy. Có thể đó là một người không cố gắng thúc ép bạn phải bình tâm lại. Đó cũng có thể là một thành viên trong gia đình mà bạn có thể gọi điện mỗi lần thấy buồn. Đó có thể là một bác sỹ tâm lý, đặc biệt là nếu bạn đang thực sự gặp khó khăn khi vượt qua một mối tình lâu dài, hoặc chuyện này có liên quan tới những vấn đề khác.
- Bạn có thể ghi lại những cảm giác của mình nếu không muốn nói chuyện với người khác. Mặt tốt của việc này là bạn sẽ theo dõi được quá trình phục hồi của mình. Đây cũng sẽ là bằng chứng cho thấy: bạn hoàn toàn có thể vượt qua nỗi đau bị từ chối tình cảm.
- Nói chuyện với người đã từng trải qua chuyện tương tự cũng sẽ có ích. Bạn có thể hỏi kinh nghiệm và cách họ vượt qua chuyện này.
- Những người từng trải qua chuyện tương tự sẽ hiểu được vấn đề của người khác. Bạn sẽ ít phải giải thích cho họ hơn và họ sẽ hiểu bạn nhiều hơn.
- Đừng chia sẻ với những người chưa từng chịu đựng nỗi buồn như vậy, đặc biệt là nếu họ lấy việc này ra làm trò cười. Đừng bận tâm, bởi vì họ chưa từng trải qua nên sẽ họ không hiểu được.
- Củng cố niềm tin vào Đấng bề trên (Chúa, Phật…), sức mạnh tâm linh có thể là một vũ khí rất mạnh giúp bạn kiên cường hơn trong những lúc khó khăn.
3. Thắt chặt mối quan hệ với người khác. Một trong những “tác dụng phụ” của việc bị từ chối, nhất là trong chuyện tình cảm, là cảm giác bị bỏ rơi hoặc cô lập với mọi người. Có thể bạn đã không có được mối quan hệ như mong muốn với người đó, nhưng bạn có thể củng cố mối quan hệ với những người khác trong cuộc sống.
- Các nghiên cứu cho thấy: giao tiếp với những người bạn yêu thương sẽ giúp bạn mau hồi phục hơn. Những tổn thương tâm lý thường biểu lộ rất rõ ràng. Bạn sẽ nhanh vượt qua nỗi buồn hơn khi dành thời gian vui vẻ bên những người thân yêu.
- Niềm vui là điều rất quan trọng nhờ những tác động của nó lên bộ não. Cảm giác vui vẻ sẽ giảm nhẹ sự tức giận và giúp bạn cảm thấy lạc quan hơn. Tiếng cười cũng là phương thuốc tốt nhất: nó thúc đẩy cơ thể sản xuất ra endorphin, một loại hooc-môn vui vẻ tự nhiên. Nó cũng làm tăng khả năng chịu đau của cơ thể. Vì thế, bạn hãy đi xem một bộ phim hài hước, hát karaoke thoải mái, nhảy nhót trên một tấm đệm lò xo… Hãy cứ vui vẻ, cười đùa và bình phục dần dần.
4. Loại bỏ những suy nghĩ không tốt. Một số cách suy nghĩ có thể làm hỏng quá trình phục hồi của bạn và khiến việc bước qua chuyện tình này trở nên khó khăn.
- Hãy nhớ rằng bạn có thể sống mà không cần người đó, và người đó cũng không hoàn hảo. Bạn hoàn toàn có thể dành tình yêu cho một người khác.
- Tự nhắc mình rằng con người và mọi tình thế đều thay đổi. Những cảm giác của hiện tại cũng sẽ không tồn tại cả đời, nhất là khi bạn đối mặt với chúng một cách chủ động và tích cực hơn.
5. Hãy coi đây là một bài học kinh nghiệm. Không ai muốn có một trái tim tan vỡ cả. Tuy nhiên, nếu bạn có thể coi đây là một bài học cho mình và rút kinh nghiệm, nó sẽ không chỉ còn là một kỷ niệm buồn trong đời nữa. Bạn có thể coi nó như một động lực để tiến lên sau này.
- Ví dụ: Hãy tìm ra những điểm tốt của sự việc này. Bạn đã thổ lộ hết tình cảm mà người đó không đón nhận. Nhưng dù sao, bạn đã rất mạnh mẽ, dũng cảm và dám chịu tổn thương. Nếu không dám chịu đau, chúng ta sẽ không thể kết nối với người khác hoặc cảm nhận những thứ tình cảm sâu sắc như hạnh phúc và tình yêu.
- Hãy xem xét liệu việc này có liên quan tới một vấn đề lớn hơn không. Có vài người luôn dành tình cảm cho những người đã từng từ chối họ. Việc này đặc biệt đáng lưu ý nếu hồi nhỏ, bạn không cảm thấy được yên tâm trong mối quan hệ với cha mẹ. Nếu bạn đã hơn một lần yêu người từng từ chối mình, có thể trong tiềm thức, bạn luôn chọn yêu những người giống với cha mẹ mình. Có lẽ nói chuyện này với một bác sỹ tâm lý sẽ có ích cho bạn.
- Tự nhắc mình rằng: qua trải nghiệm này, bạn sẽ học được cách trở nên mạnh mẽ và dựa vào chính mình để vượt qua. Bị từ chối không phải là cách thú vị nhất để học được những điều đó, nhưng nếu bạn tập trung vào việc học hỏi thay vì chìm đắm trong đau khổ, bạn sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn. Bạn cũng có thể hiểu rõ cảm xúc và nhu cầu của bản thân hơn.
6. Thay đổi sinh hoạt. Các nghiên cứu cho thấy: làm những việc mới lạ (như đi nghỉ mát hoặc đi làm qua một con đường khác) là một trong những cách tốt nhất để phá vỡ những thói quen cũ và thay thế chúng bằng những thói quen mới.
- Nếu tài chính của bạn không đủ mạnh để làm việc gì đó to tát, hãy thử làm những việc nho nhỏ hàng ngày. Hãy đến một địa điểm mới trong thành phố. Thử đi chơi với nhóm bạn mới vào tối thứ Bảy. Sắp xếp lại đồ đạc trong nhà. Tham gia một ban nhạc mới. Học một sở thích mới như nấu ăn hoặc leo núi.
- Tránh làm những việc quá liều lĩnh, trừ khi bạn đã chắc chắn muốn làm vậy. Đây là thời điểm nhiều người quyết định cắt tóc hoặc xăm mình. Tốt nhất là bạn nên đợi tới khi tâm lý đã ổn định trước khi thực hiện những thay đổi như vậy.
7. Tìm lại bản thân. Khi bạn quá yêu một người, có thể bạn đã quên mất cảm giác được là chính mình. Vượt qua một mối tình đơn phương chính là lúc phù hợp nhất để tìm lại bản thân sau những tình cảm dành cho người đó.
- Phát triển bản thân. Đừng thay đổi bản thân chỉ vì người kia không thích bạn. Tuy nhiên, nếu có những điểm bạn muốn cải thiện ở chính mình, hãy cứ thực hiện. Hãy học một ngoại ngữ mới. Tập luyện thể thao theo lịch trình mới. Tham gia một lớp dạy ghi-ta flamenco.
- Cải thiện cả những mặt khác của mình. Trong khi bạn dành quá nhiều thời gian nghĩ ngợi về người đó, nhiều mặt thú vị trong cuộc sống đã bị bạn bỏ quên. Hãy dành thêm thời gian cho những việc và những người mà bạn đã thiếu chú ý tới trong lúc mải đối mặt với nỗi đau bị từ chối tình yêu.
- Không “cá nhân hóa” việc bị từ chối tình cảm. Bạn rất dễ cảm thấy người đó từ chối bạn là vì bạn không đủ xinh đẹp, thông minh hay đại loại như vậy. Hãy học cách tránh kiểu suy nghĩ sai lầm này và bạn sẽ cảm thấy đỡ bị tổn thương hơn. Bạn cũng sẽ không cố gắng “sửa lại” bản thân để giành được tình cảm của người kia nữa. Hãy nhớ: vấn đề không nằm ở bạn.
8. Hãy bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Thử làm những việc mới sẽ giúp bạn thoát khỏi những thói quen hàng ngày và quên đi người mà bạn yêu đơn phương. Bạn sẽ đủ bận rộn để không còn nhớ tới người đã từ chối tình yêu của mình nữa.
- Bước ra khỏi vùng an toàn còn có nhiều lợi ích khác nữa. Cảm giác an toàn đã được chứng minh là sẽ làm giảm động lực thay đổi của bạn. Một chút cảm giác mới lạ sẽ giúp bạn thay đổi những điều cần thiết trong cuộc sống của mình.
- Học cách bước ra khỏi vùng an toàn cũng giúp bạn dễ đối mặt với những cảm giác bất an trong tương lai hơn. Chấp nhận những rủi ro (trong tầm kiểm soát) và thử thách bản thân sẽ giúp bạn nhận ra: tổn thương là một việc tự nhiên, rồi bạn sẽ không còn cảm thấy tan nát mỗi khi có việc không như ý xảy ra nữa.
- Nếu bạn cứ cho rằng bạn bị từ chối là tại bản thân, bạn có thể sẽ không bao giờ muốn thử nghiệm điều gì mới nữa. Dám chấp nhận rủi ro, dù là những rủi ro nhỏ, cũng sẽ giúp bạn không thu mình vào vỏ ốc.
PHẦN 4: BƯỚC TIẾP
1. Nhận ra khi nào bạn có thể bước tiếp. Không có một khoảng thời gian cụ thể nào đối với việc vượt qua một mối tình đơn phương. Tuy nhiên, có một vài dấu hiệu cho thấy: bạn đã sẵn sàng bước qua một người không yêu mình.
- Bạn bắt đầu nhận ra chuyện gì đang xảy ra với mọi người. Nhiều lúc, bạn đau buồn tới nỗi bạn chỉ còn biết nghĩ tới bản thân. Khi bạn bắt đầu quan tâm tới những việc người khác làm, bạn sẽ thấy bạn đang hồi phục tâm lý rất tốt.
- Mỗi lần có ai gọi điện, bạn đã thôi tự hỏi liệu có phải người đó gọi không (nhất là khi nhận cuộc gọi từ một số lạ).
- Bạn đã thôi việc gắn câu chuyện của mình vào những bài hát và bộ phim nói về tình yêu đơn phương. Thực tế, bạn đã bắt đầu quan tâm tới cả những thứ không liên quan tới tình yêu hoặc nỗi đau vì tình.
- Bạn ngừng tưởng tượng về việc tự dưng người đó nhận ra họ vẫn luôn yêu bạn như thế nào.
2. Không được để nỗi đau “tái phát”. Ngay cả khi bạn đã sẵn sàng bước tiếp, đôi lúc, khi không cẩn thận, nỗi đau của bạn sẽ tái phát. Nó cũng giống như việc bạn tháo chỉ vết thương sớm quá. Vết thương đã tương đối lành lặn, những vẫn chưa sẵn sàng cho những hoạt động mạnh.
- Tránh làm việc cùng người đó hoặc để họ xuất hiện trong đời bạn, cho tới khi bạn chắc chắn việc đó sẽ không làm mình bị xúc động lần nữa.
- Nếu bạn thấy cảm giác đau lòng quay lại, đừng quá lo lắng. Bạn đã rất nỗ lực để vượt qua người đó, và những nỗ lực đó sẽ được đền đáp. Cảm xúc sẽ ùa về và nếu bạn đầu hàng ngay lúc đó, mọi việc sẽ trở nên khó khăn về sau.
3. Sống tích cực trở lại. Ra ngoài và gặp gỡ mọi người, tán tỉnh ai đó và nhớ lại cảm giác được người khác theo đuổi tuyệt vời thế nào. Sự tự tin của bạn cần phải được củng cố – và trong lúc đó, bạn sẽ gặp gỡ những con người thú vị khác. Thực tế, mỗi khi có ai đó tốt hơn người mà bạn từng theo đuổi, ví dụ như đẹp hơn, hài hước hơn, thông minh hơn, thực tế hơn…, hãy ghi nhận điều đó. Bạn sẽ đánh giá mọi thứ chính xác hơn.
- Bạn không nhất thiết phải đi tìm kiếm một mối quan hệ mới. Hãy cứ tận hưởng sự hiện diện của những người bạn mới. Việc đó rất có ích.
- Cẩn thận với những mối quan hệ thay thế. Đôi khi, tìm một người thay thế là việc bác sĩ khuyên bạn nên làm, nhưng nó chỉ có hiệu quả nếu bạn đã sẵn sàng cho việc đó. Bạn cần thành thật với chính mình lẫn người mà bạn đang hẹn hò rằng đây chỉ là một tình cảm thay thế. Đừng để cho người mới yêu bạn một cách tuyệt vọng như cách bạn đã từng yêu người kia.
4. Luôn can đảm. Quên đi một người bạn đang yêu là việc không hề dễ dàng. Bất kỳ việc gì bạn đã làm được để vượt qua chuyện này đều đáng được hoan nghênh. Bạn cũng nên nhớ rằng: chỉ vì họ không yêu bạn, không có nghĩa là tất cả mọi người trên thế giới đều sẽ làm thế với bạn.
Lời khuyên
- Nhận ra rằng bạn xứng đáng với một người yêu bạn nhiều như bạn yêu họ.
- Hãy nhớ: tình yêu phải xuất phát từ cả hai phía. Nếu không, bạn sẽ đánh mất những năm tháng tươi đẹp của cuộc đời để chờ đợi một điều không bao giờ xảy ra.
- Học cách yêu bản thân trước khi bạn tìm thấy một người khác để yêu.
Cảnh báo
- Đừng cố gắng duy trì một mối quan hệ không có tình yêu. Bạn có thể nghĩ rằng chỉ cần có đủ thời gian, bạn sẽ khiến cho người đó yêu mình, nhưng thật sự thì việc đó hoàn toàn không thể xảy ra. Bạn và người đó sẽ không hạnh phúc, và việc đó là không công bằng với cả hai người.
_____________
Nguồn: WikiHow