Quà tặng Người yêu

Header
collapse
...
Trang chủ / Tâm lý học tình yêu / Hé lộ bí mật nguồn gốc hình “trái tim”

Hé lộ bí mật nguồn gốc hình “trái tim”

2018-10-21  Thu Thảo

Ngày nay, chúng ta gửi/ tặng thiệp, kẹo, trang sức… hình trái tim cho người mình yêu. Nhưng tại sao hình trái tim lại trở thành biểu tượng của tình yêu? mặc dù nó trông không hề giống với trái tim thật?

Theo tờ Slate của Mỹ, thực ra từ cách đây nhiều nghìn năm đã tồn tại những hình ảnh giống như biểu tượng trái tim. Cụ thể, một vài mảnh gốm từ những năm 3000 trước Công nguyên mà các nhà khảo cổ học tìm thấy rõ ràng có biểu tượng không thể nhầm lẫn này. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, ký hiệu được ghi nhận đơn giản hoặc là quả vả hoặc là lá cây thường xuân chứ không phải là biểu tượng thô sơ đại diện cho trái tim con người, và dường như ít nhất là thủa ban đầu, nó không nói lên bất cứ điều gì liên quan đến tình yêu.

Nhìn lại lịch sử chúng ta tìm thấy nhiều nền văn hóa sử dụng một biểu tượng tương tự, chẳng hạn như mô tả trên gốm ở Hy Lạp, Cretian, Minoan, Mycean, La Mã và Corinthian… Trong những trường hợp này, một lần nữa nó không chứng tỏ là đại diện của một trái tim mà là các loại lá khác nhau.

Chẳng hạn, những hình ảnh đầu tiên về lá cây nho trong nền văn hóa Hy Lạp được sử dụng chủ yếu để đại diện cho Dionysus, vị thần rượu, sinh sản… Còn với hình ảnh lá cây thường xuân, nó lại có ngụ ý đại diện cho một nhà thổ ở thành phố Ephesus khoảng thế kỷ thứ IV sau Công nguyên.

Do lá thường xuân khá khoẻ mạnh và sống lâu nên nó cũng được khắc nổi bật trên các ngôi mộ ở Hy Lạp và La Mã thời kỳ đầu. Điều thú vị là người Hy Lạp, La Mã và theo đạo Phật hoàn toàn độc lập với nhau nhưng đều sử dụng một biểu tượng tương tự như hình vẽ trái tim. Song chỉ bởi vì những biểu tượng thời xưa này rất giống với biểu tượng hiện đại của trái tim không nhất thiết có nghĩa đây chính là nguồn gốc của biểu tượng trái tim thời hiện đại và chúng ta, thật không may, thiếu nhiều dấu vết trực tiếp để lần theo nguồn gốc của nó.

Do đó, có giả thuyết rằng nó có nguồn gốc từ một loài cây khác – nay đã tuyệt chủng – có tên là “silphium”, loài cây từ thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên được sử dụng làm một phương thuốc tránh thai hiệu quả. Việc buôn bán silphium béo bở đến nỗi thị trấn trồng nó là Cyrene (ở Bắc Phi) đã đúc tiền có in biểu tượng hạt silphium. Do đó, có giả thuyết rằng hình trái tim đầu tiên gắn liền với tình dục, và cuối cùng là gắn với tình yêu.

Bất kể là lá hay hạt có liên quan trực tiếp gì hay không, nhìn chung người ta nghĩ mô tả trái tim con người nhìn giống như những chiếc lá nhất định có thể có điều gì đó liên quan. Thời trung cổ, việc phẫu thuật, giải phẫu là bị cấm. Rất nhiều người đã bị Giáo hội xử tử hoặc đàn áp vì tội này. Và do các cuộc giải phẫu bị coi là trái luật, nhiều người đã bị buộc phải dựa vào những mô tả sơ khai trái tim theo một trong hai cách, nhìn giống như trái cây hình chóp hoặc giống như một chiếc lá ngược với cuống lá là động mạch phân nhánh.

Về chứng cứ trực tiếp, có vẻ trong một tài liệu viết tay thời thế kỷ thứ 13 ở Pháp cho đến nay không rõ tác giả, một câu chuyện lãng mạn đơn giản có tên là “Roman de la poire” (tạm dịch là: Sự lãng mạn của quả lê) xuất hiện hình ảnh trái tim sớm nhất mang ý nghĩa ẩn dụ. Hình dạng của nó giống như trái cây hình chóp, phù hợp với các tài liệu y khoa khi đó. Vào khoảng thời gian này trong thế kỷ 13, các banner của hoàng gia Đan Mạch được trang trí nổi bật với biểu tượng trái tim.

Vào đầu thế kỷ 14, chúng ta cũng thấy một quả hình chóp dạng trái tim trong bức tranh ở Nhà nguyện Scrovegni được hoạ sĩ nổi tiếng Giotto de Bondone mô tả một trái tim đang được trao cho đức Chúa Kitô.

Bất kể thế nào, trong vài trăm năm sau, một vài sự việc đã xảy ra dẫn đến sự phổ biến của biểu tượng trái tim bùng nổ. Trớ trêu là mặc dù Nhà thờ đã đóng một vai trò lớn trong việc con người không nhận thức được trái tim thực sự của con người trông thế nào nhưng nó cũng đã đóng vai trò không thể thiếu trong việc lan toả biểu tượng trái tim. Cụ thể ở đây là “Sacred Heart of Jesus” (tạm dịch: Trái tim Cực thánh) được cho là được một người nhìn thấy năm 1673. Vào ngày 27/12/1673, Margaret Mary Alacoque, một nữ tu Công giáo La Mã- Pháp thuộc dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial, nước Pháp tuyên bố đã gặp Chúa Jesus. Trong cuộc gặp này, Chúa được cho là đã bảo bà “dựa đầu trên trái tim của Chúa” và thông báo với thế giới tình yêu vĩnh cửu của Ngài. Truyền thuyết này cuối cùng đã dẫn đến sự hiến dâng của “Trái tim Cực thánh”, hay niềm tin rằng trái tim của Chúa đại diện cho tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Xét về thể chất, Thánh tâm này rất giống với biểu tượng trái tim hiện đại, mặc dù nó được mô tả bao quanh bởi những gai nhọn và đôi khi rực cháy bởi lửa. Giáo hội Công giáo đã sử dụng biểu tượng này rộng rãi trong các thế kỷ tiếp theo, bắt đầu từ xuất hiện thường xuyên trong các cửa sổ kính màu và hình tượng nhà thờ khác.

Hình trái tim nở rộ khi những trao đổi tình yêu (Valentine) trở nên phổ biến trong thế kỷ 17 ở Anh. Đầu tiên là những ghi chú đơn giản, sau đó những người thời Victoria (gọi theo tên của Nữ hoàng Victoria (1837 – 1901) là đỉnh cao của Vương quốc Anh trong việc bành trướng và thống trị thế giới) đã làm cho truyền thống trở nên phức tạp hơn, áp dụng hình trái tim vào ruy băng và nơ.

Cuối cùng, mặc dù áp lực tôn giáo trên thế giới y tế suy yếu đi trong các thế kỷ sau đó và kiến thức giải phẫu cuối cùng lan toả sâu rộng, thì biểu tượng trái tim đã phát triển mạnh trong giới nghệ sĩ, thương mại. Vào thế kỷ 19, biểu tượng trái tim được xem như là đại diện cho trái tim con người cũng như tình yêu. Cho đến nay, điều này vẫn không thay đổi dù người ta biết rõ rằng, biểu tượng trái tim không hề giống trái tim thật.

-Nguồn: vnreview.vn-

Hé lộ bí mật nguồn gốc hình “trái tim”


2018-10-21  Thu Thảo